Nhiều thị trường khó tính đã dùng thịt từ Việt Nam
Đánh giá về chăn nuôi gia cầm của nước ta trong vài năm trở lại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại nhiều quốc gia. Hiện chăn nuôi gia cầm tại nhiều thời điểm chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường. Đó là chưa kể nhu cầu của thị trường thế giới về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng ngày càng tăng.
Trong năm 2018, Nhật Bản đã chính thức cho phép hai công ty của Việt Nam là Koyu&Unitek và Công ty CP Hà Nội được XK sản phẩm thịt gà chế biến vào nước này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã XK được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản, với tổng khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD. Theo thống kê, trong quý I/2019, số lượng XK sang Nhật của công ty này đạt 150 tấn thịt gà chế biến/tháng. Riêng Công ty CP Hà Nội dự kiến đưa chuyến hàng đầu tiên sang Nhật vào quý II/2019.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng của ngành chăn nuôi gia cầm. Còn với thế giới, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines… được đánh giá là những thị trường lớn và chủ lực. Ngoài ra, các nước như Ả Rập Xê út, Nam Phi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cũng được đánh giá là những thị trường tiềm năng và bắt đầu được các doanh nghiệp trong nước quan tâm kết nối.Tại thị trường Trung Quốc, dự báo NK trong năm 2019 sẽ vượt mức 70%.
Phải tận dụng hết tiềm năng
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, đầu năm 2019, việc XK gia cầm khả quan do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao. Ở góc độ khác, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến về con giống và trang thiết bị vào chăn nuôi đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ đã dần chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn; năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều; số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6%; sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1 triệu tấn...Việt Nam hiện đã XK giống gia cầm đạt từ 1,25-1,5 triệu con.
Tuy nhiên, ông Trọng cho biết, tồn tại lớn nhất với ngành này trong nước hiện nay là chưa đồng bộ trong quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn thiếu, chưa được giao trách nhiệm cụ thể; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp. Một tồn tại lớn nữa là vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống gia cầm không đăng ký, nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống, không được kiểm tra, kiểm soát.
“Chủ trương của Bộ là tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng chăn nuôi gia cầm. Trong tổng số hơn 5 triệu tấn thịt các loại thì gia cầm chiếm khoảng 2% sản lượng; trong khi đó, bình quân tiêu dùng người Việt Nam so với thế giới đang ở mức thấp hơn. Do vậy, xác định nhu cầu này có thể tăng lên được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Vì thế, tới đây cần phát triển chăn nuôi gia cầm lớn hơn, cần quan tâm các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay. Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng…