Xuất khẩu thuỷ sản 'đón sóng' cơ hội hướng mốc 11 tỷ USD năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2024, ngành thủy sản đã vượt nhiều khó khăn để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, nhờ tăng trưởng tích cực của ngành tôm, cá tra và hải sản khai thác. Thành tựu này khẳng định nỗ lực của toàn ngành và tạo nền tảng vững chắc để hướng tới mốc 11 tỷ USD trong năm 2025.
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam năm 2024 đạt trên 10 tỷ USD (Ảnh minh hoạ).
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam năm 2024 đạt trên 10 tỷ USD (Ảnh minh hoạ).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2024, ngành thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhu cầu giảm, cạnh tranh gia tăng, và các rào cản thương mại để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Kết quả này chưa bao gồm hơn 250 triệu USD từ xuất khẩu bột cá, một nguồn cung quan trọng cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo VASEP, ngành tôm đạt kim ngạch gần 3,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, bất chấp thách thức từ lạm phát toàn cầu và cạnh tranh gay gắt từ các nước như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Sự thành công này nhờ vào chiến lược tập trung phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) và đa dạng hóa các phân khúc sản phẩm, bao gồm tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm và tôm biển.

Ngành cá tra cũng hồi phục ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Các thị trường truyền thống như Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia thuộc CPTPP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành vượt qua những khó khăn về chi phí vận tải biển và giá nhập khẩu phục hồi chậm.

Xuất khẩu hải sản khai thác như cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, và nhuyễn thể có vỏ đạt hơn 4 tỷ USD, dù ngành phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu và tuân thủ các quy định IUU.

VASEP cho rằng, năm 2025 ngành thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Trung Quốc đang hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực. Đồng thời, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á, và Trung Đông cũng hứa hẹn mở rộng, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP tiếp tục giúp ngành thủy sản giảm thuế, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) và tận dụng phụ phẩm thủy sản phù hợp với tiêu chí kinh tế tuần hoàn sẽ gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.

Ngoài ra, chính sách thuế mới của Mỹ, nếu được triển khai, có thể tạo cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam khi các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước đối thủ chịu mức thuế cao hơn. Điều này cho phép Việt Nam gia tăng thị phần nhờ chất lượng và giá cả cạnh tranh, dù các doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng đối mặt với rủi ro từ thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Với những cơ hội trên, VASEP kỳ vọng năm 2025 sẽ là năm tăng trưởng vượt bậc của ngành thủy sản Việt Nam, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu có thể vượt mốc 10 tỷ USD và tiến tới tái lập cột mốc 11 tỷ USD – thành tích từng đạt được vào năm 2022.

Đọc thêm