Xuất siêu sẽ sớm trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo quy luật, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm ở nửa cuối năm - thời điểm xuất khẩu đạt đỉnh điểm. Do đó, các chuyên gia kinh tế dự báo xuất siêu sẽ sớm quay trở lại?
Mặt hàng công nghiệp tiêu dùng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Mặt hàng công nghiệp tiêu dùng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao

Dù trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD nhưng trong báo cáo mới nhất về tình hình thương mại công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững, dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu (EU)...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó, đáng kể đến nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa XK của Việt Nam vào các quốc gia này.

Ngoài ra, trong tháng 6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đã được xuất sang EU theo EVFTA. Tiếp theo đó, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Bộ Công Thương đánh giá, hiện EU là thị trường XK lớn thứ tư của nông sản Việt Nam cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, hàng hóa XK Việt Nam đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Bộ này cũng dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương), EVFTA, UKVFTA (FTA Việt Nam - Vương quốc Anh)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK. Đồng thời ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Cán cân thương mại sẽ sớm cải thiện

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ sớm cải thiện trong thời gian tới.

Cũng theo ông Hải, dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã có những tác động rất lớn đến các địa phương sản xuất hàng hóa lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhưng nhiều khả năng đợt dịch này có thể sẽ được khống chế sau khoảng 1, 2 tháng nữa. Do đó, các DN cần phải nỗ lực để tăng khả năng thích ứng và vượt qua khó khăn, bắt kịp sản xuất khi quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Một thuận lợi đối với XK hàng hóa của Việt Nam nữa là qua các làn sóng Covid-19 mặc dù bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của 2 tháng vừa qua. Cũng chính từ việc vượt qua các làn sóng Covid-19, khả năng thích ứng cũng như khả năng dự báo được tình hình đã trở thành một yếu tố quan trọng, tăng năng lực cạnh tranh của DN.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho giai đoạn mới, thời kỳ phát triển mới thì cả DN, cả các hiệp hội, những cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có những thay đổi tương ứng để lường trước được những vấn đề có thể phát sinh, những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế, đối với từng DN. Qua đó đề xuất phương án và kịch bản cụ thể. Hoạt động sản xuất và XK luôn luôn phải song hành gắn với mục tiêu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa không để dịch bệnh lây lan nhưng vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, trong đó có hoạt động XK.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, để phát triển XK 6 tháng cuối năm 2021 không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ, ngành hữu quan cần tập trung xử lý tốt một số vấn đề ở các khu vực thị trường lớn, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU; các địa phương cũng cần tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn XK của các nước.

Đọc thêm