Xúc động tham quan hiện vật liên quan đến Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tôi vô cùng xúc động khi được xem lại những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, về cụ Đề Thám. Đã 10 năm qua, năm nào dịp này tôi cũng tới đây, mỗi lần tới tôi đều có những cảm xúc rất mãnh liệt, với niềm tự hào lớn lao ...”, một cựu chiến binh có mặt tại khu trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế chia sẻ.

Chiều 15/3, tại Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức Khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024).

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh đầu tiên Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và sau này là Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Lễ Khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Lễ Khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế.

Cuộc khởi nghĩa là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, trong đó có nghệ thuật chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, lập làng chiến đấu, vừa đánh vừa đàm... được vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này.

Bản lĩnh, tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của hai vị thủ lĩnh và nghĩa quân Yên Thế trở thành bản hùng ca bất diệt về ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Đông đảo lãnh đạo huyện Yên Thế và người dân tới tham quan gian trưng bày các hình ảnh tư liệu về cuộc Khởi nghĩa.

Đông đảo lãnh đạo huyện Yên Thế và người dân tới tham quan gian trưng bày các hình ảnh tư liệu về cuộc Khởi nghĩa.

Các tư liệu, hiện vật nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu về cuộc khởi nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế và Lễ hội Yên Thế - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống của cha ông.

Các em học sinh tự hào khi xem lại những hình ảnh lịch sử dân tộc.

Các em học sinh tự hào khi xem lại những hình ảnh lịch sử dân tộc.

Không ít em nhỏ được đưa tới tham quan khu trưng bày hình ảnh, hiện vật cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Không ít em nhỏ được đưa tới tham quan khu trưng bày hình ảnh, hiện vật cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Trong không gian của Nhà Trưng bày khởi nghĩa Yên Thế, Ban tổ chức lựa chọn hơn 100 hình ảnh tư liệu tiêu biểu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, gắn với hình ảnh thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) để giới thiệu tới đông đảo công chúng, theo 4 chủ đề. Đó là: Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX; thời kỳ đầu của phong trào khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Lương Văn Nắm lãnh đạo (1884 - 1892); phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1892 - 1913); công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế.

Tại Nhà trưng bày cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, rất đông người dân, trong đó nhiều người là cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang tới tham quan.

Ông Nguyễn Văn Quang (78 tuổi, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) xúc động, tự hào khi xem lại những hình ảnh, tư liệu về cuộc Khởi nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Quang (78 tuổi, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) xúc động, tự hào khi xem lại những hình ảnh, tư liệu về cuộc Khởi nghĩa.

Từng là một người lính, khi xem những hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa bảo vệ chủ quyền dân tộc, ông Nguyễn Văn Quang (78 tuổi, ở huyện Tân Yên) vô cùng xúc động. “ Đã 10 năm qua, năm nào dịp này tôi cũng tới đây, mỗi lần tới tôi đều có những cảm xúc rất mãnh liệt, với niềm tự hào lớn lao. Các hình ảnh giúp tôi hình dung cuộc chiến cam go, thấy được bản lĩnh, tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của hai vị thủ lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, cũng như cảm nhận được ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta”, ông Quang chia sẻ.

Ông Đỗ Thành Lương (ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bồi hồi ghi lại những cảm nghĩ về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Ông Đỗ Thành Lương (ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bồi hồi ghi lại những cảm nghĩ về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Cùng cảm xúc, ông Đỗ Thành Lương (xã Đồng Kỳ) và ông Nguyễn Như Thoát (xã Canh Nậu, cùng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cho biết, các ông vô cùng cảm phục người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. “Những hình ảnh và kỷ vật tại đây giúp cho chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về lịch sử và ý nghĩa của cuộc kháng chiến, về tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của nghĩa quân trước thực dân xâm lược. Từ đó chúng tôi càng thêm trân trọng nền hòa bình, tự do và độc lập của đất nước mà chúng ta có được hôm nay”, ông Lương bày tỏ.

Cũng trong chiều 15/3, trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024) UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã tổ chức Lễ tế, Lễ dâng hương tại đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế thuộc Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế).

Toàn cảnh buổi Lễ tế trời đất, tế thần, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.

Toàn cảnh buổi Lễ tế trời đất, tế thần, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.

Tại buổi lễ, các lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Thế, lãnh đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn thực hiện lễ tế trời đất, tế thần, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã trao 140 cây lim xanh giống ứng với 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế cho đại diện 19 xã, thị trấn trong huyện để trồng, nhân giống loài cây quý thiên nhiên ban tặng cho quê hương Yên Thế.

Sau lễ tế, các đại biểu dâng hương và thực hiện nghi thức phóng ngư, thả điểu thể hiện khát vọng tự do, hòa bình và trách nhiệm của con người với thiên nhiên. Đây cũng là một nghi thức trong lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế năm xưa.

Các đại biểu thực hiện nghi thức thả điểu.

Các đại biểu thực hiện nghi thức thả điểu.

Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu vào năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức hằng năm (từ ngày 15 đến 17/3 dương lịch) với nhiều nội dung phong phú, độc đáo, trở thành một trong những lễ hội truyền thống lớn của tỉnh.

Lễ hội được tổ chức nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập, tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại với những sắc màu phong phú, riêng biệt, khẳng định bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế và của tỉnh Bắc Giang; góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đọc thêm