Lần đầu tiên tổ chức hội nghị tại London, một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tự tin khẳng định, với tiềm năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh nói riêng…
Cơ hội lớn
Tham dự đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng chia sẻ, thủ đô London – Vương Quốc Anh là 1 trong những trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đây là 1 trong 5 thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu và tập trung nhiều quỹ đầu tư tài chính lớn.
Đồng thời, London cũng là trung tâm lớn nhất của các thị trường phái sinh, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và ngân hàng cho vay quốc tế,… nên rất phù hợp với mục tiêu tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư gián tiếp cho thị trường chứng khoán.
“Tôi cho rằng, đây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc hợp tác, thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Vương Quốc Anh…” - ông Dũng khẳng định.
Được biết, về đầu tư, Anh hiện đứng thứ 16 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,75 tỷ USD đến năm 2018. Việt Nam và Anh đã ký kết nhiều hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định về Bảo hộ và xúc tiến đầu tư,... và dự kiến trong thời gian tới hai nước sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) trên cơ sở kế thừa EVFTA mà Việt Nam – EU vừa ký kết.
Hiện đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn xấp xỉ 1 tỷ USD so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Hiện số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản nhà đầu tư tổ chức), với tổng giá trị đầu tư tương đương 21.700 tỷ đồng (khoảng 944 triệu USD).
“Điều này cho thấy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh…” - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.
Xây cầu nối…
Với chủ đề: “Đầu tư vào Việt Nam”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là nội dung quan trọng của chuyến công tác. Hội nghị nhằm mục tiêu quảng bá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường vốn Việt Nam nói riêng, với những kỳ vọng đầu tư và tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới…
Nói như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, nhu cầu đầu tư và tiềm năng cơ hội từ hai phía là hiện hữu, việc còn lại là làm thế nào để “xây cầu nối” gắn kết hiệu quả từ hai phía...
Một trong những điểm nhấn của các hội nghị xúc tiến đầu tư, bao gồm cả sự kiện tại London lần này, đó là đối thoại “Từ chính sách đến thực tiễn” trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam.
Tại hội nghị, đoàn công tác sẽ giới thiệu toàn cảnh về thực trạng, tiềm năng và triển vọng của thị trường chứng khoán và bảo hiểm Việt Nam, giới thiệu về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam...
Trong chuyến công tác lần này, Đoàn công tác cũng sẽ tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với một số nhóm các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại London. Đây là các quỹ đầu tư lớn, quản lý tổng tài sản cộng dồn lên tới hơn 2.000 tỷ USD.
“Hội nghị lần này nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Anh quốc hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Anh quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam...” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, mặc dù giữa hai nước đã có bước tiến dài trong quan hệ hợp tác, tuy nhiên, giá trị đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Anh vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng tiềm năng khi Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD) và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
“Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân khoảng 6%/năm trong 30 năm qua và được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển bền vững. Như vậy, có thể thấy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Anh...” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kỳ vọng.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cũng tự tin khi cho rằng mặc dù tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư châu Âu, bao gồm cả nhà đầu tư Anh là rất cao và chuyên nghiệp, nhưng với lợi thế, tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội. “Tôi cũng rất kỳ vọng, sau sự kiện này, cơ hội này sẽ sớm chuyển hóa thành hiện thực…” - ông Dũng hào hứng chia sẻ.