"Tôi tìm kiếm sự bảo vệ tị nạn như là phương sách cuối cùng. Tôi vẫn là một công dân Singapore và hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về nhà an toàn", ông nói, ông Lý Hiển Dương, em trai của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cho biết trong một bài đăng trên Facebook ngày 22/10.
Ông nói rằng đã xin tị nạn từ năm 2022 với lý do ông và gia đình "bị đàn áp" và kết quả là không thể quay về nước dự đám tang của em gái Lý Vỹ Linh.
Theo The Straits Times, ông Lý Hiển Dương và vợ, bà Lee Suet Fern, đã rời Singapore vào ngày 15/6/2022 sau khi cảnh sát yêu cầu cả hai hợp tác điều tra. Cảnh sát Singapore cho biết họ đã lên lịch làm việc nhưng cặp vợ chồng này không tham dự và rời khỏi đất nước ngay sau đó.
Căng thẳng trong gia đình bắt nguồn từ tranh chấp về việc phá bỏ ngôi nhà tại 38 Đường Oxley, nơi ở của cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Dù trong di chúc cuối cùng có yêu cầu phá bỏ ngôi nhà, điều này đã không có trong phiên bản di chúc trước đó, gây ra bất đồng giữa các con của ông.
Vào năm 2020, một tòa án đã kết luận rằng ông Lý Hiển Dương và bà Lee Suet Fern khai man trong quá trình kỷ luật liên quan đến việc thực hiện di chúc của ông Lý Quang Diệu. Kết luận này mở đường cho các cuộc điều tra của cảnh sát đối với cả hai vợ chồng.
Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, ông Dương khẳng định chính quyền hiện tại đã quay lưng với ông sau khi ông công khai ủng hộ phe đối lập và mâu thuẫn gia đình leo thang. Ông nhấn mạnh: “Dù Singapore phát triển kinh tế vượt bậc, nhưng vẫn tồn tại một mặt tối đầy áp bức. Mọi người nghĩ đây là thiên đường, nhưng thực tế thì không phải vậy.”
Ông Lý Hiển Dương cho rằng dưới thời anh trai ông, Lý Hiển Long – người vừa rời ghế thủ tướng vào tháng 5 sau 20 năm cầm quyền – chính quyền đã sử dụng những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào ông, vợ và con trai. Các hành động pháp lý leo thang đến mức khiến ông cảm thấy không còn an toàn nếu tiếp tục sống ở Singapore.
“Những gì xảy ra với tôi chứng tỏ chính quyền đang cố gắng tiêu diệt những người dám phản kháng,” ông nói, khẳng định rằng Singapore không phải là quốc gia của tự do và minh bạch như hình ảnh mà nước này cố xây dựng.
Mâu thuẫn giữa anh em nhà họ bắt đầu sau cái chết của cha họ, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, vào năm 2015.
Mâu thuẫn bắt đầu nổ ra công khai kể từ năm 2017 xung quanh việc xử lý ngôi nhà cổ của gia đình. Hai người em là Lý Hiển Dương và Lý Vỹ Linh cáo buộc anh trai Lý Hiển Long lạm dụng quyền lực để ngăn họ phá hủy ngôi nhà theo di nguyện của cha. Họ cáo buộc anh trai tìm cách giữ lại ngôi nhà để bảo vệ sự nghiệp chính trị của mình.
Tuần trước ông Lý Hiển Dương tuyên bố sẽ nộp đơn xin phá bỏ nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu theo di nguyện của cha. Trong khi đó, anh trai Lý Hiển Long muốn giữ lại ngôi nhà, coi đó là di sản.
Vụ tranh cãi này nhanh chóng leo thang thành các cuộc chiến pháp lý. Năm 2017, con trai của Lý Hiển Dương bị phạt 15.000 đô-la Singapore vì bình luận trên Facebook cho rằng hệ thống tư pháp Singapore "phụ thuộc". Năm 2018, vợ ông, bà Lee Suet Fern, cũng bị đình chỉ hành nghề 15 tháng vì cáo buộc sai phạm liên quan đến di chúc của cha chồng. Hiện tại, cả hai vợ chồng đang bị điều tra về tội khai man.
Năm 2020, ông Lý Hiển Dương quyết định gia nhập một đảng đối lập, điều mà ông cho là lý do chính khiến chính quyền tìm cách đàn áp ông và gia đình. Ông tiết lộ mình cũng từng là mục tiêu của hệ thống giám sát chặt chẽ của Singapore. Đến tháng 8 năm 2023, ông chính thức được cấp quyền tị nạn tại Anh, sau hai năm rời khỏi Singapore.
Ông Dương cho rằng những gì đã xảy ra không thể có được nếu không có sự chấp thuận của anh trai, Lý Hiển Long. “Theo quan điểm của tôi, trong một quốc gia được kiểm soát chặt chẽ như Singapore, những hành động như vậy không thể xảy ra nếu không có sự đồng ý của thủ tướng.”
Người phát ngôn của chính phủ Singapore phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định rằng gia đình ông Dương “luôn tự do quay trở lại Singapore” và mọi cáo buộc về việc họ bị đàn áp đều “không có cơ sở”. “Hệ thống tư pháp Singapore hoạt động độc lập, và không ai, kể cả con cháu của nhà sáng lập, được phép đứng trên pháp luật,” người phát ngôn nói.
Dù Singapore tự hào về xếp hạng cao trong chỉ số cảm nhận tham nhũng của Transparency International, các chuyên gia cho rằng một quốc gia có thể không có vấn đề tham nhũng trong nước nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các mạng lưới tham nhũng quốc tế.
Ông Lý Hiển Dương cảnh báo rằng thế giới cần nhìn nhận kỹ hơn về vai trò của Singapore trong việc hỗ trợ các giao dịch vũ khí, dòng tiền bẩn và tội phạm tài chính, bao gồm cả tiền mã hóa.
Theo The Guardian, ông Duncan Hames, Giám đốc chính sách của Transparency International tại Anh, nhận xét: “Với vai trò là trung tâm tài chính khu vực, Singapore thu hút các dòng tiền bất hợp pháp từ nhiều nơi trong khu vực có rủi ro cao.”
CNA cho biết, dù được cấp tị nạn tại Anh, ông Lý Hiển Dương vẫn khẳng định ông giữ quốc tịch Singapore và hy vọng một ngày có thể trở về quê hương an toàn. Tuy nhiên, mâu thuẫn gia đình và các cuộc điều tra pháp lý kéo dài khiến khả năng này còn bỏ ngỏ.
Theo First Post, ông Lý Hiển Dương sinh ngày 24/9/1957, lớn lên trong gia đình có tầm ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của Singapore hiện đại. Ông từng học tại những ngôi trường danh tiếng như Catholic High School và National Junior College trước khi nhận học bổng sang Cambridge (Anh) và sau đó học thạc sĩ quản trị tại Đại học Stanford (Mỹ).
Sau sự nghiệp quân sự thành công với quân hàm Thiếu tướng, ông Lý Hiển Dương chuyển sang khu vực tư nhân và giữ chức CEO của tập đoàn viễn thông Singtel từ 1995 đến 2007. Ông đã góp phần biến Singtel trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu châu Á, định vị mình như một nhân vật quan trọng trong giới kinh doanh Singapore.
Tuy nhiên, cuộc xung đột với anh trai Lý Hiển Long đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông, khiến ông phải rời xa quê hương và sống lưu vong.