Xuống cấp về đạo đức xã hội: Không ngăn chặn sớm sẽ 'mất gốc'

(PLO) - Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như ngành Y, ngành Giáo dục, văn hóa “chạy chọt”, gian lận, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng…
Bạo lực ở lứa tuổi học đường ngày càng phổ biến là một biểu hiện của tình trạng đạo đức xuống cấp.
Bạo lực ở lứa tuổi học đường ngày càng phổ biến là một biểu hiện của tình trạng đạo đức xuống cấp.

Đó là những biểu hiện cụ thể của sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận ngay tại diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra. Ngăn chặn tình trạng này là vấn đề căn bản, cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, giàu tính nhân văn và củng cố giá trị văn hóa, đạo đức – nền tảng của sức mạnh dân tộc trong dòng chảy hội nhập.  

“Băng hoại, suy đồi đạo đức, lối sống” 

Sau gần 9 năm thi hành Luật Phòng chống bạc lực gia đình, Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) thống kê được gần 160.000 vụ bạo lực gia đình. Trung bình khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày).

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh, thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi từ 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, sự xâm nhập của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại đang làm băng hoại, suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng đây là vấn đề rất đáng lưu ý, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều loại tội phạm, nhất là tội phạm vị thành niên. 

Ngoài ra, Bộ VHTT&DL chỉ rõ sự xuống cấp đạo đức xã hội còn là hậu quả của sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường; những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và việc hạn chế tác động tiêu cực của những phương tiện truyền thông mới chưa đạt kết quả cao. Những bất cập về thể chế, cơ chế, những yếu kém trong lĩnh vực giáo dục, thực thi pháp luật, điều hành kinh tế, quản lý xã hội... 

Nhưng nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nâng cao văn hóa ứng xử. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu; công tác quản lý nhà nước còn những hạn chế. Việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật chưa nghiêm, đôi khi còn hình thức.

Chưa gắn kết hiệu quả giữa vận động, giáo dục với thực thi pháp luật và quan trọng là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa đồng bộ. Chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; chưa nhận thức rõ vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách của mỗi người.

ĐB Nguyễn Phi Long (Bình Dương) cũng như nhiều ĐBQH khác đã rất lo ngại khi, “sự xuống cấp về đạo đức, lối sống và ứng xử văn hóa trong xã hội đang diễn ra phức tạp, để lại hậu quả khôn lường, làm phai mòn giá trị đạo đức, truyền thống, lối sống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. 

Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và Bộ VHTT&DL cũng đã xác định trách nhiệm của mình trong công tác này và đang phối hợp với các ngành để xây dựng môi trường văn hóa như thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội, tuyên truyền thực hiện văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa doanh nghiệp... 

Ngoài ra, để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thấy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động.

Đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cùng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa-thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống. Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh: “Khi môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú thì con người ít có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống”.

Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử với việc đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên cần cải tiến nội dung, phương thức, chất lượng, đưa phong trào đi vào thực chất. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm. Trong đó kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại. Tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống…

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: “Chính phủ cần triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam, tập trung xây dựng, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về ý thức tôn trọng pháp luật về lòng tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc nêu gương người tốt, việc tốt. Phê phán, đấu tranh với những biểu hiệu sa sút về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống”.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): “Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cần phải quan tâm hơn về việc cần phải quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa biểu diễn nghệ thuật mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý. Chúng ta biết rằng, hiện nay có một tình trạng các hoạt động văn hóa đã có những biểu diễn rất phản cảm trước trẻ em, vừa rồi có video clip mà chúng ta chứng kiến ở Đầm Sen. 

Hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về một số tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em ở nước ngoài, đang ở nước ngoài nhưng về Việt Nam vẫn hoạt động trong môi trường liên quan đến trẻ em, thậm chí hoạt động rất tự do và vẫn xin dạy học, biểu diễn nghệ thuật đối với trẻ nhưng chúng ta vẫn không có sự quản lý, đó cũng chính là những hành vi, biểu hiện của xuống cấp đạo đức mà hiện nay đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp quản lý”.

Đọc thêm