Ý kiến đại biểu bên hành lang Quốc hội: Cần quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hơn nữa

(PLVN) -Trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024… Các đại biểu Quốc hội đã có những trao đổi liên quan đến những nội dung quan trọng này với báo chí bên hành lang Kỳ họp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Hỗ trợ cả trực tiếp lẫn gián tiếp

Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lưu ý, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, Kế hoạch tài chính được đưa ra vào ngày 20/7/2021 - khi đất nước đang đối mặt với đại dịch COVID-19. Đại dịch đang gây hậu quả nghiêm trọng nhưng khi đó chưa hình dung được mức độ nghiêm trọng thế nào, cuối cùng mới thấy rằng rất khủng khiếp, gây tổn thất về người, vật chất và tinh thần. Tác động đó không thể một tháng, một năm có thể giải quyết được.

Chưa hết, dịch bệnh vừa đi qua thì lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine gay gắt, gần đây lại thêm xung đột ở dải Gaza. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lên tới 200% GDP nên chịu tác động rất lớn. Dù bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài và bên trong như vậy, nhưng kinh tế Việt Nam trong quý I tăng trưởng 3,3%, quý II là 4,1%, quý III là 5,33% và dự báo cả năm tăng khoảng 5% là nỗ lực rất đáng trân trọng.

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu phấn đấu và triển khai 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp. “3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn giá trị hiện hữu”, ông khẳng định.

Khẳng định doanh nghiệp (DN) hiện đang rất khó khăn, ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nhân phát triển, cả hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp. Hỗ trợ trực tiếp bằng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thậm chí giảm sâu hơn. Về hỗ trợ gián tiếp, trước hết cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính để giảm chi phí thời gian cho DN, xây dựng nền công vụ phục vụ hiệu quả đem lại năng lượng cho DN để họ không nản lòng

“Địa phương nên có tổ công tác hỗ trợ DN làm thủ tục hành chính. DN cần mở nhà máy thì gọi tổ công tác đó hỗ trợ thủ tục sẽ giúp chi phí giảm rất nhiều”, ông đề xuất. Cùng với đó giải quyết “bài toán” về thủ tục vay vốn theo hướng dùng ngân sách hỗ trợ quỹ bảo lãnh tín dụng, từ đó bảo đảm để ngân hàng cho DN vay.

Với người dân thì hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cho người mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, khi đó tăng thêm năng lượng mới, người dân thấy sự chia sẻ, có thêm sức bật trong tình hình hiện nay.

Về vấn đề lấy nguồn ở đâu để hỗ trợ DN và người dân, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, 3 năm khó khăn nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất tốt (dưới 40% GDP trong khi trần 60% GDP, là một trong số quốc gia nợ công giảm), tức còn dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ, chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Một nguồn nữa là tài sản công vì theo ĐB, nguồn này hiện rất lớn. Chính phủ cần dành thời gian rà soát, kiểm kê nơi nào không hiệu quả, “trùm mền”, xem xét đấu giá, lấy tiền đó hỗ trợ DN, người dân. Điều đó không chỉ tạo nguồn lực phục hồi mà quan trọng hơn là tạo niềm tin trong nhân dân về khâu quản trị quốc gia, tin tưởng vào sự quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, tài sản nhân dân…

Không để “nhàn rỗi” số tiền ủng hộ nạn nhân vụ cháy ở Thanh Xuân

Đại biểu Trương Xuân Cừ. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Trương Xuân Cừ. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Một vấn đề xã hội cũng được ĐBQH quan tâm là việc chậm giải ngân tiền ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Liên quan đến vụ cháy này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) TP Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận 110 tỷ đồng của người dân ủng hộ các nạn nhân nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 6 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 6, ĐB Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) khẳng định: “Việc chậm chi tiền hỗ trợ cho các nạn nhân là thiếu trách nhiệm”. Ông Cừ cho rằng, phải xây dựng cơ chế xử lý làm sao nhanh, kịp thời, hiệu quả nhất. Vấn đề này vốn thuộc MTTQ và đây là cơ quan chuyên môn, có nghiệp vụ, trách nhiệm xử lý, không thể để số tiền ủng hộ “nhàn rỗi”.

“Nếu để chậm vì thủ tục hành chính thì đúng là mình thiếu trách nhiệm. Bất cứ xảy ra vấn đề gì đều phải có phương án giải quyết, còn trước mắt phải có phương án tối ưu nhất nhưng cũng không thể chậm trễ được”, ông Cừ nêu rõ.

ĐB Đoàn TP Hà Nội cho biết thêm, ông chưa nhận được ý kiến phản ánh chính thức nào từ người dân về việc chậm chi tiền hỗ trợ nhưng nếu có, ông sẽ làm việc ngay với cấp ủy, chính quyền địa phương và nếu cần là chính quyền thành phố để “chậm trễ này ách tắc ở đâu, tháo gỡ ngay”.

“Trước một sự kiện như thế phải có lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền còn giao cho cơ quan tổ chức nào thì anh phải triển khai đúng theo chỉ đạo và trách nhiệm chậm trễ xem mắc ở khâu, tổ chức nào để cấp ủy, chính quyền tháo gỡ ngay, kịp thời”, ĐB Trương Xuân Cừ nói.

Báo cáo trước QH tại Kỳ họp thứ 6 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra và dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%. QH đánh giá, kết quả trên mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.

Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 6

Hôm nay - 30/10, Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV bước vào tuần làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng.

Trong ngày đầu tiên của tuần làm việc này, QH dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Từ chiều 31/10 và cả ngày 1/11, QH thảo luận ở hội trường về đánh giá Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 - 2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Trong tuần làm việc này, QH cũng sẽ thảo luận về một số dự thảo luật quan trọng, bao gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuệ Minh

Đọc thêm