Ý kiến giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa qua, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức”.
Học sinh lớp 10 bắt đầu chương trình SGK mới từ năm học 2022-2023. (Ảnh minh họa)
Học sinh lớp 10 bắt đầu chương trình SGK mới từ năm học 2022-2023. (Ảnh minh họa)

Linh hoạt bồi dưỡng giáo viên trong dịch bệnh

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được bắt đầu thực hiện từ năm 2020 với lớp 1, năm 2021 với lớp 2, lớp 6 và năm 2022 với lớp 10 trong năm học tới.

TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…

Với định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (CBQLCSGD) phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới GDPT, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình sách giáo khoa (SGK) GDPT. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Bởi vậy, để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQLCSGD về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao tài liệu bồi dưỡng mô đun 1 đến 9 cho các trường đại học chủ chốt tham gia ETEP.

Ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT cho biết, trong những năm qua, các trường ĐHSP cùng với các Sở GD-ĐT triển khai các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán cũng như đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý khác trên cả nước. Theo đó, tính đến 31/12/2021, 8 trường ĐHSP chủ chốt đã triển khai bồi dưỡng 6 mô đun bắt buộc hơn 31.300 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán. Từ năm 2022, các Sở GD-ĐT sẽ triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các mô đun còn lại.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT, Ban Quản lý chương trình ETEP chỉ đạo, hướng dẫn thành công việc tổ chức bồi dưỡng trực tiếp sang bồi dưỡng trực tuyến qua lớp học ảo. Như vậy, dù trong thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phải thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội trong phần lớn năm 2021 thì vẫn duy trì các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trên khắp cả nước.

Sáng kiến thay đổi phương thức bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tuyến qua lớp học ảo đã góp phần triển khai, hoàn thành được hoạt động bồi dưỡng của chương trình trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, qua đó tiết kiệm được số tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước.

TS. Phạm Tuấn Anh đánh giá cao hiệu quả của Chương trình ETEP trong việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình, SGK phổ thông mới.

Để tránh sự chồng chéo các nội dung bồi dưỡng, TS. Phạm Tuấn Anh khẳng định, các chương trình bồi dưỡng thường xuyên sẽ được đồng bộ với chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại các mô đun có nội dung cũ, lạc hậu và bổ sung những vấn đề mới.

Thầy cô nói gì khi tiếp cận chương trình mới?

Từ thực tế, ông Võ Ngọc Thạch, PGĐ Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết: “Việc nâng cao bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu đổi mới trong GD; đổi mới chính sách chăm lo cho đội ngũ nhà giáo cho thấy Bộ GD-ĐT đã có những sự chuẩn bị và hướng dẫn chi tiết, giáo viên chúng tôi cũng đã tiếp cận rất nhanh. Tất nhiên, khi đi vào cụ thể, cái gì ban đầu cũng có gặp khó khăn nhưng sau đó chúng tôi đã có những điều chỉnh để phù hợp và đáp ứng yêu cầu. Năng lực của GV được nâng cao hơn, tôi cũng yêu cầu GV phải nghiên cứu chương trình giáo dục tổng thể ngay từ mô đun 1, phải đọc phải thấy được, phải thấm thía từng mô đun của mình để hiểu rõ và làm tốt”.

Còn TS Trần Đức Thuận - ĐHSP TP HCM nhận định, để đáp ứng sự phát triển của GD, phát triển nghề nghiệp thường xuyên là yêu cầu bắt buộc đối với thầy cô. Đặc biệt, trước bối cảnh đổi mới chương trình GDPT, sự chuẩn bị chu đáo về mặt nhận thức cũng như năng lực thực hiện chương trình góp phần cho sự thành công khó triển khai chương trình GDPT 2018.

Đồng thời, để đáp ứng định hướng phát triển năng lực trên quan điểm thường xuyên, liên tục, tại chỗ, nhiều phương thức trao đổi tức thời qua các kênh xã hội tạo ra những cộng đồng học tập rộng khắp, xây dựng cộng đồng phát triển chuyên môn thường xuyên nối liền từ giảng viên sư phạm tới thầy cô đứng lớp. Hơn nữa, với chương trình lớp học ảo, thầy cô có thể xem lại bài giảng khi chưa hiểu, hoặc có thể thảo luận cùng các thầy cô quan tâm khắp cả nước, hoặc hỏi trực tiếp giảng viên trong suốt quá trình triển khai chương trình mới…

Cô Phạm Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng THCS Ngô Thời Nhiệm, Định Quán, Đồng Nai bày tỏ: Sau quá trình học tập, ở đơn vị đã triển khai và thực hiện các nhóm cộng đồng học tập, liên kết nhóm GV trong huyện, trong tỉnh với nhau cùng chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc khi triển khai tới những GV đại trà. Nội dung của 5 mô đun trang bị cơ bản những kiến thức cần thiết cho chương trình GDPT mới.

Ở góc độ khác, cô Trương Thị Trâm Anh, Trường THCS Quang Trung, Tân Phú, Đồng Nai cho rằng, sau khi học xong 5 mô đun cô đã hiểu được sâu sắc hơn những hoạt động dạy học và tự học tự bồi dưỡng bản thân. Nhũng kiến thức các mô đun mang lại rất đa dạng và thiết thực, sự ứng dụng linh hoạt học liệu vào phương pháp dạy học sao cho hiệu quả. Cô mong muốn có được văn bản hướng dẫn cụ thể về kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, tuy đã có nhưng chưa được sát với ứng dụng trong thực tế.

Đồng thời, cô Nguyễn Thị Thu Hà, THPT Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai cũng bày tỏ: Muốn dạy học phát triển năng lực HS thì GV cũng phải nâng cao năng lực. Chúng tôi được bồi dưỡng các mô đun, được thực hành tạo sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các đồng nghiệp ở khắp nơi. Bên cạnh đó, tạo ra cho chúng tôi cộng đồng học tập toàn quốc. Từ việc cung cấp, kiến thức và rèn luyện kĩ năng như vậy, chúng tôi đều đã được tiếp cận và có những định hướng cũng như phương pháp giảng dạy và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp và nâng cao hiệu quả với việc phát triển năng lực học sinh.

Tuy nhiên, cô Hà cũng cho rằng, khâu kiểm tra đánh giá là khâu then chốt để đánh giá năng lực nghề nghiệp của GV. “Việc đổi mới và thực hiện đánh giá thì không đơn gian mà đồng nghiệp chúng tôi còn rất nhiều vướng mắc, hi vọng chúng tôi được các GVSP tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ, tiếp tục được chia sẻ với những thầy cô đồng nghiệp khác”.

Có thể nói, với chương trình GDPT mới, được xem là “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nghĩa là thầy cô vừa triển khai vừa thích ứng với đổi mới, với việc dạy học mỗi ngày. Do đó, việc bồi dưỡng và đổi mới dạy và học phải luôn bắt đầu từ thầy cô…

Mỗi thầy cô chỉ còn một chứng chỉ cho cả đời dạy học

TS. Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, Bộ GD-ĐT đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bồi dưỡng giáo viên. Trong đó, dự kiến trong năm 2022, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông theo định hướng loại bỏ các quy định về chứng chỉ.

Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ: “Những năm qua việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong đội ngũ giáo viên. Thông thường sau mỗi đợt bồi dưỡng mỗi thầy cô sẽ được cấp một tờ chứng chỉ. Nhiều giáo viên cho biết, trong cuộc đời 30 năm công tác họ có đến 30 tờ chứng chỉ. Điều này có cần thiết không? Dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh những quy định này khi sửa Thông tư 19 và sẽ giao quyền cho địa phương trong việc công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên. Việc công nhận theo hình thức nào là toàn quyền của địa phương”.

Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, TS. Phạm Tuấn Anh cho biết, theo các quy định của dự thảo đang được công bố lấy ý kiến công khai trên mạng, mỗi cấp học chỉ có một chứng chỉ nghề nghiệp. Và mỗi giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng tương đương với cấp học mình đang giảng dạy.

“Trước đây mỗi cấp học giáo viên phải có 3 chứng chỉ bồi dưỡng thì dự kiến tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tích hợp lại mỗi cấp học chỉ còn 1 chương trình bồi dưỡng và 1 chứng chỉ. Cả đời thầy cô tham gia dạy học ở mỗi cấp học chỉ cần 1 chứng chỉ đó”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Đọc thêm