Viễn cảnh công trình lấn biển lớn nhất Việt Nam
Theo thông tin công bố, các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavillion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Công ty CP Lương thực Đà Nẵng đã đồng loạt đề xuất thực hiện dự án lấn vịnh Đà Nẵng có tên đảo Hoa Sen - Lotus Island. Với đề xuất ban đầu, dự án có quy mô trên 1.400 ha, hình thành từ việc xây dựng lấn biển, ở vị trí cách đất liền khoảng 1km, kéo dài từ vùng biển quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu, tổng vốn đầu tư 8 tỉ USD.
Trong những năm qua, phía nhà đầu tư Malaysia đã có nhiều cuộc khảo sát thực tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng trước khi hoàn thiện ý tưởng trình UBND Đà Nẵng.
Dự án dự kiến được xây dựng trong sáu năm, chia làm hai giai đoạn. Nếu trở thành hiện thực, công trình lấn biển lớn nhất Việt Nam này hứa hẹn mang tầm cỡ thế giới với quần thể các đảo nhân tạo được ghép nối thành khối hình hoa sen. Giữa các đảo nhỏ có hệ thống các kênh biển có chiều rộng hơn 300m nối với khu vực hồ điều tiết chính giữa dự án để tạo dòng chảy, đảm bảo cảnh quan và tuyến giao thông đường thủy giữa các đảo.
Liên kết giữa dự án và đất liền có bốn tuyến cầu vượt biển. Trên đất liền, dự án sẽ bồi lấp lấn biển tạo thành một khu quảng trường trung tâm, công viên biển kéo dài hơn 4km với diện tích hơn 100ha. Mục tiêu của dự án xây dựng một đặc khu kinh tế mới bao gồm các khu chức năng như: khu chung cư cao tầng, trung tâm văn hóa, công viên công nghệ, khu nghỉ dưỡng quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại, khu đua Công thức 1, casino, khu bán lẻ miễn thuế, sân golf, bến du thuyền…
Một cán bộ của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) cho biết, theo trình tự thủ tục chung, một dự án được gọi “đang xúc tiến” sẽ bao gồm rất nhiều việc, từ chính quyền làm việc với nhà đầu tư; thẩm định năng lực nhà đầu tư... đến xem xét dự án có phù hợp định hướng phát triển chung của thành phố hay không, có ảnh hưởng môi trường hay không… Khi có đầy đủ các điều kiện này, mới đến bước trình UBND xem xét rồi trình Thành ủy. Thậm chí, khi mọi vấn đề đạt yêu cầu nhưng vẫn có trường hợp nhà đầu tư thay đổi ý định đầu tư (ví dụ khi xem xét tính lợi nhuận không tốt).
Liên tục gây tranh cãi
Tại nhiều cuộc họp đầu năm 2018, đã có các ý kiến đồng tình và đưa ý tưởng thêm như ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ông Nam cho rằng, nếu chọn lấn biển, không nên làm theo kiểu dàn hàng ngang mà phải có điểm nhấn mà điển hình như nhà xương cá ở Dubai để đảm bảo bài toán thủy động học. Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp đề nghị nếu chọn phương án lấn vịnh Đà Nẵng, nên làm đảo nổi xa bờ, không nên lấp hẳn biển.
Ghi nhận các ý kiến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý cần phải có khảo sát, đánh giá cụ thể về tình trạng bồi lấp vịnh Đà Nẵng, đặc biệt “quy luật lấn chỗ này, chỗ khác sẽ bị xâm thực” và chỉ đạo Sở Xây dựng khi điều chỉnh quy hoạch chung của TP cần thuê tư vấn lên phương án khai thác vịnh Đà Nẵng.
Tuy nhiên, tại hội thảo về Quy hoạch TP Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2045 vừa diễn ra, các chuyên gia đã lên tiếng phản đối dự án.
Theo Kiến trúc sư Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, với một dự án quan trọng như vậy, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, về tác động đến vùng bờ, dòng chảy… Về không gian cảnh quan, việc đưa một không gian hoàn toàn nhân tạo hay can thiệp quá lớn về tự nhiên sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy… “Xét những tiêu chí trên, hiện dự án vẫn chưa có cơ sở nào”, ông Hùng nói.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy thông tin, Vịnh Đà Nẵng là đầu ra của hai con sông Cu Đê và sông Hàn. Nếu bị thu hẹp, nhất định sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của hai con sông này. Chưa kể phương án hút cát tại chỗ để bồi đắp đảo sẽ gây hậu quả sạt lở bờ biển. Bên cạnh lo ngại về các tác động đến môi trường của dự án, ông Tiếng còn lo lắng đến các nguy cơ an ninh quốc phòng.
Cũng liên quan đề xuất lấn vịnh, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề cập vấn đề, vì thiếu đất Đà Nẵng nên nghĩ đến việc xây dựng đô thị biển. Nhưng ông Chính nêu “rất ngạc nhiên” trước thông tin hơn 1.000 hecta xây dựng trên biển ở Vịnh Đà Nẵng vì sẽ liên quan đến dòng chảy, đến hạ tầng.
“Vịnh Đà Nẵng dạng một vòng cung, với một bên có núi Sơn Trà, một bên dãy Hải Vân. Nếu xây dựng đô thị ở đó, tất cả bên trong này sẽ ảnh hưởng, kể cả ảnh hưởng đến sân bay Đà Nẵng, nhà cao tầng không làm được vì ảnh hưởng đường lên xuống của các máy bay ở sân bay”, ông Chính nói. Từ đó, ông Chính đặt vấn đề, tại sao Đà Nẵng phải bỏ tiền để làm... mất đi vẻ đẹp đó.