Sẽ là giấy phép con gây lãng phí
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục để tồn tại quy hoach xây dựng tỉnh thì đó là một cuộc cách mạng nửa vời, một điểm tối.
Quy định này không những không khắc phục được tình trạng trùng lặp chồng chéo, bắt buộc các địa phương phải làm thêm nhiều việc vô bổ gây lãng phí rất lớn mà chúng ta còn dung túng cho việc cố tình không chịu buông bỏ quyền lực, quyền lợi của một nhóm lợi ích muốn tiếp tục duy trì cơ chế xin - cho, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo ĐB, nếu như vẫn có thêm quy hoạch xây dựng tỉnh thì đồng thời các tỉnh phải lập 2 loại quy hoạch ở vùng cấp tỉnh. Một, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp gửi hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện các bộ, ngành, các địa phương liên quan, các chuyên gia để tổ chức thẩm định.
Nếu đạt yêu cầu thì hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện. Hai, lập quy hoạch xây dựng tỉnh bằng cách, sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt thì Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ cần copy quy hoạch tỉnh và lược bỏ đi một số nội dung, đổi tên thành quy hoạch tỉnh để tự thẩm định lại phê duyệt sau ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
“Như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại giấy phép con làm cản trở dòng chảy, quá trình hoạt động quy hoạch ở địa phương, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ĐB Sinh nêu quan điểm và đề nghị Quốc hội xem xét, loại bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, bỏ giấy phép và chứng chỉ quy hoạch, bỏ hình thức điều chỉnh quy hoạch nội bộ ra khỏi Luật Xây dựng và Luật Đô thị sửa đổi, bổ sung.
Đồng quan điểm, ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng, với quy trình lập quy hoạch xây dựng tỉnh như hiện nay thì các cơ quan quản lý ngành lại hoàn toàn không tham gia trực tiếp vào quy trình lập quy hoạch mà chỉ có cơ quan quản lý xây dựng tại tỉnh lập quy hoạch.
Đồng thời, cũng theo dự thảo Luật, quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có sự thống nhất của Bộ Xây dựng. ĐB Hòa phân tích, quy định như vậy, một mặt chưa bảo đảm được nguyên tắc độc lập trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch khi UBND tỉnh vừa tổ chức lập, vừa thẩm định, vừa phê duyệt quy hoạch.
Do đó, ĐB Hòa cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét để quy định cụ thể nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh ngay trong dự thảo Luật để không trái với nguyên tắc đã được quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch.
Sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nêu quan điểm khác, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, vẫn nên quy hoạch xây dựng tỉnh. ĐB Nhường cho hay, ví như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã nghiên cứu các tiềm năng, động lực phát triển của vùng trên cơ sở liên kết không gian, kinh tế - xã hội với các tỉnh, khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông-Tây.
Các tỉnh trong khu vực cũng đã triển khai đề án quy hoạch xây dựng tỉnh ngắn hạn và tầm nhìn đến năm 2030 đang phát huy tác dụng tốt và không xung đột với dự thảo Luật Quy hoạch.
Không đồng quan điểm với ĐB Nhường, ngay sau đó ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) tranh luận lại. ĐB Hùng cho rằng, nếu nói việc giữ quy hoạch xây dựng tỉnh, vì cho đến bây giờ quy hoạch xây dựng tỉnh đang thực hiện tốt thì: “Nói như vậy, chúng ta cần gì phải ban hành Luật Quy hoạch”, ĐB Hùng nhấn mạnh và cho biết, Luật Quy hoạch là nguyên tắc tích hợp và là nguyên tắc hết sức quan trọng. Theo đó, chúng ta sẽ giảm được số lượng quy hoạch trong một khu vực đáng kể.
Giải trình ý kiến thảo luận của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc có quy hoạch xây dựng tỉnh hay không có quy hoạch xây dựng tỉnh từ trước đến nay đã có nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông, sau một thời gian làm việc với cơ quan chủ trì là Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy quy hoạch tỉnh đã có để tích hợp tất cả các loại vào, nhưng còn ở mức độ rất chung, phân bố về mặt không gian, các khu chức năng hay phát triển kinh tế - xã hội.
Còn xây dựng tỉnh thì ở một mức độ chi tiết hơn để cụ thể hóa, làm công cụ quản lý trong ngành xây dựng đối với quy hoạch ngành. “Chúng tôi cho rằng nó là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng tỉnh ở mức độ chi tiết hơn. Chúng tôi đề nghị theo hướng như vậy”, ông Dũng nói và thừa nhận, các đại biểu nêu có rất nhiều lý lẽ rất xác đáng. Chính vì thế Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm về nội dung này.