Y tá 'ác quỷ' trong khu chăm sóc đặc biệt bệnh viện Delmenhorst

(PLVN) - Hoegel đã hại bệnh nhân bằng cách sử dụng 5 loại thuốc bao gồm ajmaline, sotalol, lidocaine, amiodarone và canxi clorua, chủ yếu là thuốc điều trị tim đập nhanh. Tiêm quá liều những thuốc này có thể dẫn đến giảm huyết áp, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.
Bệnh viện ở Oldenburg mà Hoegel từng làm việc.
Bệnh viện ở Oldenburg mà Hoegel từng làm việc.

Tội ác bị phát hiện ra sao?

Y tá Niels Hoegel năm 2002 được nhận vào làm việc tại khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Delmenhorst, Đức với một lá thư giới thiệu mô tả anh ta là người "độc lập và tận tâm", phản ứng tốt trong trường hợp khẩn cấp. Lá thư không đề cập đến việc bệnh viện cũ của Hoegel ở Oldenburg đã nghi ngờ về số người chết cao bất thường trong các ca làm việc của ông ta. Chẳng bao lâu sau, tình trạng tương tự diễn ra tại bệnh viện Delmenhorst.

Giờ đây, Hoegel, 42 tuổi, được coi là kẻ giết người hàng loạt đã sát hại nhiều người nhất trong thời bình ở Đức và có thể là trên toàn thế giới.

Các đồng nghiệp cũ của Hoegel nói rằng ông ta nổi tiếng là người có thể xử lý được các tình huống bệnh nhân ở ranh giới của sự sống và cái chết. Nhưng thực tế, chính ông ta đã cố tình tạo ra những tình huống để sự sống và cái chết của bệnh nhân nằm trong tay mình.

Hoegel lớn lên ở Wilhelmshaven, miền bắc nước Đức trong gia đình có bố làm y tá. Ông ta học theo bố mình và làm y tá tại bệnh viện ở Oldenburg năm 1999 - 2002 và Delmenhorst năm 2002 - 2005. Vụ giết người đầu tiên của Hoegel diễn ra vào tháng 2/2000.

Các đồng nghiệp ngày càng chú ý đến Hoegel khi thấy thường có nhiều bệnh nhân cần được cấp cứu trong ca làm việc của ông ta. "Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đó là tình cờ", một cựu đồng nghiệp của Hoegel, nói. "Nhưng khi tình trạng lặp đi lặp lại, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ".

Bà cho biết đồng nghiệp cũ của Hoegel ở Oldenburg cũng từng nghi ngờ nhưng không báo cho cấp trên hoặc khiếu nại vì sợ bị khiển trách hoặc bị coi là "nhúng mũi" vào việc của người khác. Khi một y tá ở Delmenhorst nói với cấp trên rằng cô nghi ngờ Hoegel, không có hành động nào được thực hiện.

Tháng 6/2005, một y tá phát hiện Hoegel có biểu hiện khả nghi khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi Dieter Maass. Hệ thống máy truyền cho bệnh nhân bị tắt, trong thùng rác có 4 lọ thuốc rỗng không trong danh sách được kê đơn. Cô nhanh chóng lấy mẫu máu bệnh nhân đi xét nghiệm.

Ngày hôm sau, bệnh nhân qua đời. Kết quả xét nghiệm cho thấy Maass đã bị tiêm loại thuốc được sử dụng để trị chứng tim đập nhanh nhưng với liều cao đến mức gây nguy hiểm tính mạng.

Niels Hoegel tại phiên tòa ngày 16/5 ở Oldenburg; và Mariya Tuter, vợ của một bệnh nhân đã chết ở bệnh viện Delmenhorst năm 2004.
Niels Hoegel tại phiên tòa ngày 16/5 ở Oldenburg; và Mariya Tuter, vợ của một bệnh nhân đã chết ở bệnh viện Delmenhorst năm 2004.

Tuy nhiên, họ không báo cáo với cấp trên và cảnh sát cho đến hai ngày sau, khiến Hoegel có thời gian giết thêm một nạn nhân là Renate Roper, 67 tuổi.

Hoegel năm 2005 bị bắt và vào năm 2008 bị kết án 7,5 năm tù vì tội âm mưu giết người.

Khi truyền thông đưa tin về phiên tòa xử Hoegel năm 2008, một phụ nữ báo với cảnh sát rằng người mẹ quá cố của cô có thể là nạn nhân của Hoegel. Cảnh sát mở một cuộc điều tra mới và năm 2015, Hoegel thừa nhận đã tiêm 90 mũi trái phép, khiến 30 bệnh nhân chết và 60 người được cấp cứu thành công. Hoegel bị kết tội giết người, âm mưu giết người và bị kết án tù chung thân.

Cảnh sát sau đó vẫn tiếp tục điều tra Hoegel. Hơn 130 thi thể ở Đức, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ được khai quật để khám nghiệm.

Tháng 10/2018, Hoegel bị cáo buộc giết 100 người, bao gồm 36 bệnh nhân ở Oldenburg và 64 bệnh nhân ở Delmenhorst. Trưởng công tố viên Martin Koziolek ở Oldenburg ngày 16/5 cho biết chỉ có bằng chứng về 97 vụ. Trong ba vụ còn lại, bị cáo có thể đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp y tế với bệnh nhân nhưng không có bằng chứng cho thấy chúng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của họ.

Công tố viên đề nghị thẩm phán kết án chung thân thứ hai đối với Hoegel. Thẩm phán dự kiến ra phán quyết vào tháng 6.

Số nạn nhân thực sự của Hoegel có thể còn cao hơn. Trong số 411 trường hợp tử vong tại bệnh viện Delmenhorst trong ba năm ông ta làm việc, có 321 vụ xảy ra trong hoặc ngay sau ca của Hoegel. Nhiều thi thể bệnh nhân đã được hỏa táng nên không thể khai quật để xác định liệu họ có phải là nạn nhân của Hoegel hay không.

Căn bệnh “thể hiện giá trị bản thân”?

Hoegel đã hại bệnh nhân bằng cách sử dụng 5 loại thuốc bao gồm ajmaline, sotalol, lidocaine, amiodarone và canxi clorua, chủ yếu là thuốc điều trị tim đập nhanh. Tiêm quá liều những thuốc này có thể dẫn đến giảm huyết áp, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Hoegel tiêm cho bệnh nhân những chất này để chính ông ta có thể thể hiện khả năng cấp cứu, "hồi sinh" cho họ như thể một anh hùng. Các đồng nghiệp đã ca ngợi kỹ năng của Hoegel và làm tặng ông một chiếc vòng cổ bằng ống tiêm. Hoegel đeo nó đầy tự hào.

Niels Hoegel che mặt trước ống kính báo chí trong một phiên xử.
Niels Hoegel che mặt trước ống kính báo chí trong một phiên xử.

Karl-Heinz Beine, nhà thần kinh học hàng đầu ở Đức, cho rằng Hoegel hành động như vậy vì sự tự huyễn hoặc, luôn cảm thấy cần phải thể hiện giá trị bản thân.

Từng có trường hợp tương tự xảy ra ở Anh. Bác sĩ Harold Shipman năm 2000 bị buộc tội giết 15 bệnh nhân bằng cách tiêm thuốc độc. Cuộc điều tra của chính phủ kết luận ông này đã giết ít nhất 215 người. Shipman tự tử vào năm 2004.

Beine cho biết điều khiến ông thấy ám ảnh nhất là Hoegel có vẻ thiếu sự ăn năn, ngay cả khi nói chuyện với gia đình nạn nhân.

Cuối năm ngoái, Hoegel bắt đầu điều trần trước tòa. Trong các phiên tòa trước ông ta chỉ giữ im lặng. Đôi khi Hoegel nhớ ra những chi tiết đáng chú ý xung quanh cái chết của các nạn nhân. Nhưng thông thường ông ta chỉ đưa ra nhưng câu trả lời giống nhau: "Tôi không nhớ nhưng cũng không loại trừ khả năng tôi đã can thiệp".

Trong phiên tòa gần đây, Hoegel bày tỏ rằng ông ta cảm thấy rất xấu hổ khi đọc hồ sơ bệnh án của các nạn nhân tuổi từ 34 đến 96. "Tôi vô cùng xin lỗi", Hoegel nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin lời xin lỗi của Hoegel. "Tôi cho rằng tính tự huyễn hoặc của ông ta vẫn còn", Arne Schmidt, cảnh sát dẫn đầu cuộc điều tra Hoegel năm 2014 -2017 nói.

Tám đồng nghiệp cũ của Hoegel cũng bị điều tra về tội khai man vì bị nghi ngờ đã nói dối trước tòa hoặc không trình bày hết thông tin để che đậy sai sót. Sự bất cẩn của hai bệnh viện Hoegel từng làm việc cũng dẫn đến các cuộc điều tra hình sự khác. Hai bác sĩ và hai y tá trưởng của bệnh viện Delmenhorst bị buộc tội ngộ sát. Hoegel dự kiến làm chứng tại phiên tòa xử họ.

Niels Hoegel đã cố tình tạo ra những tình huống để sự sống và cái chết của bệnh nhân nằm trong tay mình.
Niels Hoegel đã cố tình tạo ra những tình huống để sự sống và cái chết của bệnh nhân nằm trong tay mình.

Hai cựu công tố viên từ Oldenburg bị xem xét vì đã không điều tra đầy đủ Hoegel vào năm 2005 nhưng họ chưa phải đối mặt cáo buộc. Một người hiện là thẩm phán ở Oldenburg.

Beine hy vọng rằng các phiên tòa sẽ nâng cao nhận thức về việc cần lên tiếng khi phát hiện hành vi khả nghi và phá vỡ sự quan liêu chi phối các bệnh viện và các cơ quan lớn khác ở Đức. "Là một nhân viên y tế, anh phải hiểu rằng trách nhiệm của anh là với bệnh nhân chứ không phải hình ảnh của bệnh viện", ông nói.

Mariya Tuter, 47 tuổi, ba năm trước nói với cảnh sát rằng bà nghi ngờ chồng mình, Adnan, có thể đã bị Hoegel sát hại. Kể từ đó, bà phải vật lộn với chứng trầm cảm. "Trước đây tôi thấy các bác sĩ là những người làm điều đúng đắn, đáng tin cậy", bà nói. "Tuy nhiên, trong vụ này, họ cố gắng che đậy mọi thứ. Tôi muốn công lý được thi hành".