Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh; Lãnh đạo Sở Tư pháp; Đại diện Lãnh đạo UBND và Trưởng phòng Tư pháp các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022" |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo những kết quả đã thực hiện về “công tác theo dõi thi hành pháp luật” tại địa phương. Cụ thể từ 01/10/2017 đến 31/8/2019 UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành 03 Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Sở Tư pháp đã ban hành và tổ chức thực hiện 05 kế hoạch theo dõi THTHPL thuộc lĩnh vực tư pháp và để cụ thể hóa thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về theo dõi THTHPL thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để tiến hành kiểm tra các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo những kết quả đã thực hiện về “công tác theo dõi thi hành pháp luật” tại địa phương |
Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật: Các văn bản quy định chi tiết thi hành VBQPPL được HĐND, UBND các cấp ban hành cơ bản bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ (Từ ngày 01/10/2017 đến 15/8/2019, tỉnh Yên Bái ban hành 24 nghị quyết; 65 quyết định).
Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được tỉnh quan tâm (tại Sở Tư pháp, từ 01/01/2017 đến 15/8/2019, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức chủ trì , phối hợp tổ chức 25 cuộc tập huấn, gồm 11 cuộc tập huấn về pháp luật, 14 cuộc tập huấn nghiệp vụ chuyên môn thực hiện quy định của pháp luật. Tổ chức 7.414 cuộc tuyên truyền cho hơn 636.000 lượt người; phát hành miễn phí 104.826 loại tài liệu tuyên truyền; phát sóng 4.854 lượt trên đài truyền thanh cấp xã; đăng tải 3.237 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng v.v.)
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Về triển khai Đề án 242 UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2018 về thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Có 14/20 cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh và 08/09 huyện, thị xã, thành phố ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch. Tham gia ý kiến vào dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2019 về nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Yên Bái ban hành Báo cáo số 563-BC/BCSĐ ngày 25 tháng 7 năm 2019 về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Tại Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL và Kế hoạch về phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL.
Địa phương cũng kiến nghị một số vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện do thể chế pháp luật về theo dõi THTHPL chưa điều chỉnh đầy đủ, toàn diện trong khi phạm vi, lĩnh vực theo dõi rộng một số quy định nội dung chưa rõ ràng, mang tính chất định tính và thiếu các tiêu chí để đánh giá trong thực tiễn. Các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi THTHPL còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ công chức kể cả công chức pháp chế được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi THTHPL số lượng ít, làm việc kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn không đồng đều, thiếu kinh nghiệm nhất là kinh nghiệm điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về THTHPL; Kinh phí bảo đảm hoạt động theo dõi THTHPL chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ số 59/2012/NĐ-CP. Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ theo dõi THTHPL cho cán bộ, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét ban hành thông tư quy định về kinh phí bảo đảm công tác theo dõi THTHPL.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các kết quả đạt được của tỉnh Yên Bái trong công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương. Đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại như: Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được tổ chức chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, thường xuyên; Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của“Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” mới chỉ đạt một số kết quả bước đầu.
Đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh về ý nghĩa, vai trò của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chấn chỉnh lại hoạt động phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác theo dõi thi hành pháp luật bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác theo quy định, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022" trên địa bàn tỉnh.