Yêu cầu Chủ tịch các tỉnh ở Tây Nguyên chỉ đạo tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Để tiếp tục tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng...

Hình ảnh hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Hình ảnh hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới ký Công điện số 725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.

Công điện gửi BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, TNMT, Xây dựng, GTVT, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Công điện nêu rõ, theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trong những ngày qua tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt trượt đất, ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình giao thông, đặc biệt là tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và hồ chứa nước Đắk N'Ting (huyện Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.

Để tiếp tục tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện ngày 1/7/2023, ngày 31/7/2023 và văn bản ngày 2/8/2023, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Bộ NN&PTNT (cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai) phân công 1 Thứ trưởng chủ trì, phối hợp với các Bộ: TNMT, GTVT, Công Thương, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của các hồ Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng), Đắk N'Ting (tỉnh Đắk Nông) để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và an toàn dân cư.

BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành khác có liên quan tiếp tục theo dõi, chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngày 5/8, Ban chỉ đạo ƯPT/BCA có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các đơn vị; Công an các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum; Công an các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó tập trung tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai; trọng tâm là các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thiên tai để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Chủ động các phương án, kế hoạch, làm tốt công tác 4 tại chỗ; huy động lực lượng, phương tiện của Công an địa phương, Công an xã và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai;

Phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an, đảm bảo trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và duy trì hoạt động thường xuyên; Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời; Đảm bảo an ninh, an toàn hồ, đập; Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; Hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính;

Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đọc thêm