Hòa thượng Thích Quảng Đức (hay còn gọi là Bồ tát Thích Quảng Đức) thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cả một đời Ngài trọn vẹn trong việc tu đạo, giữ gìn giới đức, hành hạnh đầu đà, tu tập trang nghiêm. Năm 1958, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu, Ngài xin thôi mọi chức vụ để dành tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi nên Ngài vẫn để gót chân vân du hành đạo, ghi dấu nhiều nơi, làm lợi chúng sinh.
Ngày 27/5/1963, Ngài quyết định đến chùa Ấn Quang bạch với Hòa thượng Thích Thiện Hoa - Trưởng Trị Sự giáo hội Tăng già Nam Việt và nộp đơn xin thiêu thân quyết bảo vệ đạo Pháp cũng như sự tồn vong của đất nước Việt Nam. Trong đơn, Hòa thượng Thích Quảng Đức khẳng định: “Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc, Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy, điều này lịch sử đã minh nhận”.
Đặc biệt, trong “Lời nguyện tâm quyết” trước khi tự thiêu, Ngài khẳng định: “Tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”. Đúng ngày 20/4 năm Quý Mão (tức 11/6/1963), như đã sắp xếp, Hòa thượng ngồi trong xe ô tô, một vị Đại đức đã tẩm xăng lên y áo của Hòa thượng. Chiếc xe của Ngài dẫn đầu đoàn diễu hành rước di ảnh của các vị Thánh tử đạo của trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử.
Ngọn lửa bùng cháy lớn, bốc cao phủ kín thân nhưng Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa như một pho tượng đồng đen trước sự chứng kiến của nhiều Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân. Khoảng 15 phút sau, lửa tàn, Hòa thượng cúi xuống mấy lần như chào đại chúng, rồi Ngài nằm ngửa ra và tay còn kiết ấn.
Trước đại nguyện “vị Pháp thiêu thân” vĩ đại của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chúng ta có thể khẳng định rằng, đó là kết tinh năng lực tu hành, nếp sống đạo hạnh và tâm từ bi quảng đại vì lợi ích chúng sinh của Ngài.
Tượng Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Việt Nam quốc tự.
Với công đức cao dày của Hoà thượng Thích Quảng Đức, tôn danh của Ngài được đặt thành tên đường nhằm tri ân những công lao, đóng góp của Hoà thượng cho đạo pháp, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, sự phát triển và trường tồn của Phật giáo nước nhà.
Song thời gian gần đây, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Gà rán KFC khai trương nhiều cửa hàng, trên phương tiện mạng xã hội, banner chào mừng khai trương xuất hiện cửa hàng 'KFC Thích Quảng Đức'.
Từ banner tuyển dụng của chuỗi cửa hàng KFC.
Việc dùng tên một bậc danh Tăng để gọi một cửa hàng đồ ăn nhanh đặt ra vấn đề vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc khi gọi tên cửa hàng.
Theo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tên doanh nghiệp, nhìn chung, việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc khi: (i) đặt trên trùng với tên danh nhân (trừ khi chủ doanh nghiệp đặt tên theo tên của mình nhưng tên chủ doanh nghiệp trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân), (ii) sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.; (iii) sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.
Nếu căn theo quy định này, việc dùng tên bậc danh tăng Hoà thượng Thích Quảng Đức gọi tên cửa hàng Gà rán KFC có thể bị coi là xúc phạm hoặc ít nhất khiếm nhã đối với Phật giáo và nhiều người phản đối dựa trên góc nhìn này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Thông tư 10 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005, mà Luật Doanh nghiệp 2005 đã bị thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2014, do vậy, hiện nay thông tư này cũng đã hết hiệu lực theo Luật Doanh nghiệp 2005. Và rất có thể còn có nhiều vụ việc khác liên quan đến lỗ hổng pháp lý này.
Nếu đi đến tận cùng về pháp lý, nếu chuỗi cửa hàng Gà rán KFC không tự điều chỉnh bảng hiệu, banner quảng cáo cho phù hợp thì sẽ tạo ra hiểu lầm đáng tiếc và đề nghị chuỗi cửa hàng KFC phải xin lỗi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cộng đồng Phật tử khi sử dụng tôn danh bậc Bồ tát đã vị pháp thiêu thân Thích Quảng Đức làm tên quán gà.