Theo kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và kiểm tra, kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước cho thấy tình hình vi phạm chế độ, chính sách quản lý thu, chi ngân sách còn xảy ra ở một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị; tình trạng đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài,… vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính - ngân sách nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định; khẩn trương xử lý theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản thuế ẩn lậu được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước.
Mặt khác, thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ/dự án quan trọng, cấp bách và chủ động bố trí kinh phí để hoàn trả kinh phí đã ứng trước, xử lý nợ đọng theo quy định.
Điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản.
Nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung ngân sách nhà nước phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển và các nhu cầu khác theo quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công; chậm thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiến nghị của cơ quan kiểm toán đối với các vi phạm xảy ra trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm được giao quản lý…