Thể chế ở đây là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... được sử dụng để định hướng sự phát triển của một nhà nước, ở các lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. Thể chế là sản phẩm của một chế độ chính trị, thể hiện bản chất và chức năng của Nhà nước lãnh đạo. Chính vì vậy, “cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế” đang là khẩu hiệu hành động được nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đưa ra; là quá trình vừa nhận thức, vừa kiến tạo.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền... trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã làm được nhiều việc từ vĩ mô đến vi mô. Xin nêu một ví dụ, Bộ Nội vụ đã rà soát, cắt giảm các thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết khác trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức, tiết kiệm được thời gian và chi phí của xã hội; được dư luận xã hội đánh giá cao. Thực tiễn cho thấy, hồ sơ công chức, viên chức dày cộp các chứng chỉ không đồng nghĩa với hiệu suất, hiệu quả công việc được giao.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết tựa đề: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”. Trong bài viết này, về những hạn chế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thẳng thắn nêu rõ: Vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ; hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh...
Thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chính là một trong các nội dung của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Trở lại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Thường trực và Bộ Nội vụ, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, trong nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành Nội vụ, thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện thể chế, quyết tâm đi đầu trong cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, các tổ chức hành chính của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh...
Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc. Đúng như Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nói: “Chúng ta đã lựa chọn đột phá chiến lược là thể chế thì phải làm sao cho tư duy về xây dựng thể chế phải thay đổi, phải đột phá”.
Việt Nam được đánh giá còn dư địa rất lớn cho phát triển. Để giải phóng được nguồn lực xã hội, khai thác dư địa, kích hoạt đổi mới, sáng tạo... một trong những vấn đề mấu chốt là thể chế.