Yếu tố quan trọng với giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hơn 10 năm qua, ngoài Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14), Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều luật, nghị quyết quan trọng; đặc biệt là Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về sách giáo khoa (SGK). Điều đó cho thấy SGK vô cùng hệ trọng đối với giáo dục phổ thông, kể cả giáo dục mầm non.
Ảnh minh họa (Ảnh:Thanhnien.vn)
Ảnh minh họa (Ảnh:Thanhnien.vn)

Đáng tiếc, chuyện SGK thực tế cho thấy trong quá trình triển khai còn có những vấn đề chưa chuẩn; việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành còn chậm.

Ngoài Luật Giáo dục, với trẻ em đến trường còn có các Luật khác điều chỉnh như Luật Trẻ em ((Luật số 102/2016/QH13), Luật Người khuyết tật (Luật số 51/2010/QH12 - với trẻ em không may khuyết tật) và nhiều chính sách khác liên quan đến trẻ em nghèo đến trường.

Nhà nước ta thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Chỉ riêng SGK được quy định thành một điều (Điều 32) trong Luật Giáo dục.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Những ưu điểm, hạn chế, bất cập; trong đó có biên soạn SGK đã được chỉ ra cụ thể. Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ rõ, SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Giá SGK, nhất là chi phí phát hành SGK cao là chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định.

Còn chưa đến nửa tháng, năm học mới 2023 - 2024 sẽ khai giảng. Thời gian qua, báo chí, dư luận có nói nhiều đến giá thành SGK. Điều này không thể xem nhẹ, không thể kinh doanh trên ba lô đến trường của học sinh. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023, trong đó có yêu cầu phải bảo đảm SGK kịp thời cho năm học 2023 - 2024.

“Thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành SGK bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành SGK”, đây là một trong các nội dung quan trọng nêu tại văn bản. Thủ tướng cũng yêu cầu, khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mới đây, khi làm việc với Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội đã nêu lên vấn đề khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình SGK mới. SGK không phải là cuốn sách đơn thuần, nên dù xã hội hóa, cũng phải khẳng định không phải là kinh doanh đơn thuần.

Đọc thêm