Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”: Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không

(PLO) - Ngày 7/12, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tổ chức Hội thảo khoa học Chiến thắng “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không”, bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không. 
Bộ đội PK-KQ lập nhiều thành tích trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972
Bộ đội PK-KQ lập nhiều thành tích trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972

Các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định Chiến thắng “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là chiến thắng của ý chí quật cường, lòng dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng quân sự Việt Nam...và gợi mở những định hướng xây dựng, phát triển lực lượng PK-KQ. 

Hội thảo được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972-tháng 12/2017). Cuộc tập kích đ­ường không chiến l­­ược quy mô lớn, chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc cuối tháng 12/1972 kéo dài 12 ngày đêm từ 19h15 ngày 18/12 đến 7h ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních -xơn đã lệnh cho toàn bộ máy bay chiến lư­ợc B.52 và các loại máy bay chiến thuật ở khu vực Đông Nam Á gồm 193/400 chiếc, xấp xỉ 50% tổng số máy bay B52 của toàn nư­ớc Mỹ tiến công, trút xuống miền Bắc nước ta một khối lư­ợng bom đạn khổng lồ, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Nh­­ưng quân và dân ta đã anh dũng kiên cường đánh trả, đập tan cuộc tập kích đ­­ường không chủ yếu chiến l­ược bằng máy bay B.52 của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh xâm l­­ược Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ về nước. Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 máy bay B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F.111 (2 chiếc rơi tại chỗ) và 42 máy bay chiến thuật các loại. Tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 53 máy bay các loại, chiếm 65,43% tổng số máy bay bị bắn rơi, trong đó có 32 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Các lực l­­ượng hỏa lực: Tên lửa, Không quân, Pháo phòng không đều lập công bắn rơi B.52.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài tham luận của các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân chủng; trong đó có các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chỉ huy, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 

Trong tham luận trình bày tại hội thảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng PK-KQ đã làm rõ kinh nghiệm sử dụng lực lượng tên lửa trong các loại hình chiến dịch nói chung, chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 nói riêng. Đó là lực lượng bộ đội tên lửa đã nắm chắc tính năng chiến, kỹ thuật; khả năng, sức cơ động của các loại vũ khí, khí tài được trang bị; tình hình thực tế chiến trường, xây dựng quyết tâm, cách sử dụng hiệu quả nhất. Tên lửa được bố trí đảm bảo có lực lượng chốt, lực lượng cơ động, lực lượng phục kích từ xa, luôn giữ thế chủ động tạo thời, thế thuận lợi để đánh địch trên hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu giành thắng lợi quyết định; đồng thời cơ động, cơ động quanh chốt tạo thế bất ngờ, bảo toàn lực lượng, duy trì được sức chiến đấu lâu dài...

Trong tham luận gửi về hội thảo, Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong chỉ đạo xây dựng lực lượng PK-KQ chính là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…

Đến giữa cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, lực lượng Phòng không đã phát triển thêm nhiều trung đoàn tên lửa với trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại. Đây là lực lượng tác chiến chủ lực của Quân chủng PK-KQ trên mặt trận đối không trong Chiến dịch Phòng không năm 1972. Cùng với đó, để không ngừng nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của từng lực lượng, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương chỉ đạo đưa một số đơn vị tên lửa, rađa, không quân và bộ phận kỹ thuật, cán bộ khoa học trực tiếp vào chiến trường để nghiên cứu đánh máy bay B.52 ngay từ khi chúng mới xuất hiện trên chiến trường miền Nam. 

Với chủ trương này, lần đầu tiên Bộ đội PK-KQ đã nghiên cứu, xây dựng được kế hoạch tác chiến để đối phó máy bay B.52 với nhiều thủ đoạn gây nhiễu, tạo giả và tiến công mục tiêu mặt đất để xác định cách đánh sáng tạo, hiệu quả. Đây là những tư liệu đầu tiên, “tuyệt mật” được bộ đội ta khám phá bằng thực tiễn chiến đấu và chiến trường, xuất phát từ chủ trương đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo nhạy bén, sắc sảo, táo bạo của Đảng ta và Bác Hồ. 

Nói về những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhấn mạnh: “Thông qua Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nghiên cứu, vận dụng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về quân sự, quốc phòng và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại, phát huy sức mạnh Việt Nam lên một tầm cao mới. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đọc thêm