Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND

(PLO) - Đầu quý IV/2016 chứng kiến sự thay đổi tăng trong việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở khá nhiều ngân hàng, trong đó Bản Việt là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cá nhân cao nhất hiện nay.
Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND

Gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank). Biểu lãi suất mới công bố vào 5/9 cho thấy một số kỳ hạn tiền gửi cá nhân được điều chỉnh tăng như kỳ hạn 6 tháng tăng từ 7% lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5% lên 7,8%/năm. Kỳ hạn 18 tháng có mức tăng nhiều nhất từ 7,8% lên 8,2% năm và đây là kỳ hạn đang có lãi suất cao nhất của Bản Việt.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi cá nhân cho kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng vào ngày 1/9. Trong đó, kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng thêm 0,2 điểm % so với ngày 2/8, phân theo hạn mức tiền gửi thì lãi suất dao động từ 5% đến 5,4%. Kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1 điểm %, lên mức từ 5,3% đến 5,5%.

Ngân hàng TMCP Hàng hải (MaritimeBank) thực hiện tăng lãi suất tiền gửi cá nhân vào ngày 29/8. Xét riêng cho loại tiết kiệm định kỳ sinh lời thì các kỳ hạn 13, 15 và 36 tháng tăng thêm 0,1 điểm % so với ngày 1/8, lên 6,5% - 6,6%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) điều chỉnh vào ngày 27/8, các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên tăng từ 0,1 - 0,3 điểm % so với ngày 15/8. Trong đó, kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,3 điểm % lên lần lượt 5,4% và 5,5%/năm. Kỳ hạn từ 3 đến 17 tháng tăng thêm 0,1 điểm % lên từ 5,5% - 7,2%/năm. Kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng tăng thêm 0,2 điểm % và cùng lên 7,3%/năm.

Như vậy, so với mặt bằng thì Bản Việt là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cá nhân cao nhất hiện nay trong hệ thống các NHTM.

Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Lý giải cho nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn./.

Đọc thêm