Theo đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm trong tuần qua có ngày giảm xuống quanh mức 0,4%/năm, hiện đứng ở mức 0,46%/năm. Lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần đã giảm lần lượt 0,54 điểm phần trăm và 0,47 điểm phần trăm chỉ trong một tuần, về mức 0,5% và 0,8%/năm vào ngày cuối tuần.
Lãi suất cho vay tiền đồng kỳ hạn 3 tuần ở mức 1,5%/năm và một tháng ở mức 1,9%/năm.
Các chuyên gia cho biết, các mức lãi suất trên là kết quả của xu hướng giảm đều và liên tiếp nhiều tuần qua trên thị trường tiền tệ. Trong vài năm qua, mức lãi suất cho vay tiền đồng liên ngân hàng dưới 2%/năm đã được coi là thấp, nay về tới mức quanh 0,5% là mức thấp kỷ lục trên thị trường.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, lãi suất liên ngân hàng xuống thấp biểu hiện hai yếu tố. Một là, khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đối với xã hội đã được cải thiện. Hai là, chất lượng thanh khoản trong nội bộ từng ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều.
“Chính vì vậy việc phải sử dụng vốn trong liên ngân hàng không còn là nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính thanh khoản nữa,” ông Kiên nhấn mạnh.
Ông Kiên cũng cho rằng, với việc thực hiện tốt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2012-2016 vừa qua đã đưa các tổ chức tín dụng dần ổn định cộng thêm việc điều hành vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước làm cho công cuộc cải cách các tổ chức tín dụng đi đúng hướng.
Ông Kiên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công số lượng lớn trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn dự kiến, đây là một thành công nữa trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong bản tin của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra nhận định, diễn biến trên cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng không chỉ tiếp tục được duy trì mà còn đang tăng lên trong tuần qua. Nhiều khả năng, hoạt động mua tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang được thực hiện với liều lượng khá lớn nhằm tranh thủ diễn biến thuận lợi của tỷ giá cũng như để tạo thêm nguồn ngoại tệ cho quốc gia.
Điều này cũng đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, trong những ngày qua, cơ quan này đã tăng mua dự trữ ngoại hối với số lượng lớn để giữ ổn định tỷ giá và thị trường. Tính đến cuối tuần qua hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đánh dấu mốc đạt 10 tỷ USD, tính từ đầu năm. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia cũng tăng kỷ lục, đạt trên 40 tỷ USD. Đây cũng là khác biệt lớn nhất của năm 2016 so với những năm gần đây.
Về phía các ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho rằng, lý do các ngân hàng đang thừa vốn cũng có hai nguyên nhân, một phần có thể do tăng trưởng tín dụng chậm lại và các ngân hàng đang phải đảm bảo tỷ lệ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (LDR). Theo quy định Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ thanh khoản ở mức 80%.
Ông Tùng đưa ra ví dụ, nếu OCB huy động được khoảng xấp xỷ 40.000 tỷ đồng, thì sẽ phải để ra khoảng 8.000 tỷ đồng không cho vay. Nếu như ngân hàng chưa dùng đến số tiền này thì sẽ mang ra thị trường liên ngân hàng giao dịch.
Lãnh đạo OCB phân tích, với quy mô tài sản không lớn của OCB mà cũng đã có 8.000 tỷ đồng trên thị trường này. Còn với những ngân hàng lớn khác huy động được tới 200.000 tỷ đồng, thì 20% số tiền này sẽ có tới 40.000 tỷ đồng đưa ra thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chín phủ. Cung càng lớn mà cầu ít thì lãi suất thị trường sẽ giảm.
“Nếu các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước thì kiểu gì hiện tượng dư thanh khoản cũng xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng,” ông Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, cả ông Kiên và ông Tùng đều thừa nhận, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh không có nghĩa là nguồn vốn dư thừa này hỗ trợ được cho doanh nghiệp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống như nhiều người hy vọng.
Ông Nguyễn Đức Kiên phân tích, nếu hạ mặt bằng xuống thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố nền kinh tế vĩ mô phải ổn định và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp phải được đẩy mạnh hơn nữa thì lãi suất mới giảm xuống được.
Còn theo ông Tùng, các ngân hàng không dùng vốn này để cho vay mà chỉ là vốn dư thừa tạm thời của ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Nên khả năng giảm lãi suất cho vay càng thấp. Vì ngân hàng huy động 10 đồng phải để dư phòng 2 đồng. Mà 2 đồng này ngân hàng huy động ở trên thị trường 1. Trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại thấp như vậy thì chi phí vốn ngân hàng phải bù đắp cao hơn. Do đó, càng khó để giảm lãi suất cho vay trên thị trường./.