Việt Nam coi trọng các giá trị tích cực của Công giáo

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người và đặc biệt quan tâm phát triển các vùng có đồng bào theo đạo đang gặp khó khăn kinh tế để nâng cao đời sống người dân. 
Thủ tướng Chính phủ tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri
Thủ tướng Chính phủ tại buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Antoine Camilleri, đã đến chào Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; gặp làm việc với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng. 

Tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đời sống cộng đồng Công giáo Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong các thành tựu phát triển của đất nước năm 2017 có sự đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo cả nước. 

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người và đặc biệt quan tâm phát triển các vùng có đồng bào theo đạo đang gặp khó khăn kinh tế để nâng cao đời sống người dân. 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ hài lòng việc hai bên duy trì cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp, qua đó duy trì đối thoại, trao đổi để tăng cường hiểu biết, xử lý các vướng mắc; khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Tòa thánh, trong đó có việc trao đổi đoàn cấp cao. 

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Antoine Camilleri bày tỏ ấn tượng trước các thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà và đời sống Công giáo phong phú, năng động ở các địa phương; chia sẻ ấn tượng tốt đẹp về sự giao thoa giữa niềm tin tôn giáo và văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Camilleri cho biết Tòa thánh chủ trương thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm tiếp tục đóng góp cho đời sống xã hội đất nước, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế và từ thiện; khẳng định Giáo hoàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam cũng như luôn mong muốn Giáo hội đồng hành và đóng góp cho thịnh vượng quốc gia; cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đặc phái viên không thường trú hoạt động tại Việt Nam. 

Tại cuộc chào Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng các giá trị tích cực của Công giáo; các cấp chính quyền Việt Nam đã và đang tạo thuận lợi cho các sinh hoạt tôn giáo. Phó Thủ tướng đề nghị Tòa thánh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam, Cộng đồng lớn thứ hai tại châu Á, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, chấp hành tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước.  

Cùng ngày, tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ, Đoàn Tòa thánh đã có cuộc làm việc với Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng. Tại cuộc gặp, Trưởng ban Vũ Chiến Thắng khẳng định Việt Nam là nước đa dân tộc, đa tôn giáo với sự hòa hợp giữa các tôn giáo, đồng thời thông tin bức tranh Công giáo khởi sắc trong thời gian qua với nhiều thành tựu như 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận hoạt động, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, nhiều tín đồ tham gia các lễ trọng…  

Trưởng ban Tôn giáo Vũ Chiến Thắng ghi nhận đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ Công giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là các phong trào yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người nghèo, người già…; ghi nhận các chỉ dẫn của Tòa thánh, đường hướng và hoạt động tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian qua; khẳng định Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện cho tất cả các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài chương trình ở Hà Nội, đoàn Tòa thánh còn thăm một số cơ sở Công giáo ở Ninh Bình, Quảng Trị và TP HCM.

Đọc thêm