Chính sách dân số phải luôn liên quan mật thiết với quyền con người

(PLO) -Biến đổi dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế - xã hội, bởi vậy tại Hội nghị đối thoại chính sách về biến đổi dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam diễn ra mới đây, các ý kiến cho rằng phát triển dân số phải đề cao hơn nữa quyền con người, cụ thể là quyền con người liên quan đến quy mô dân số, cơ cấu dân số…
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức với mục tiêu góp phần vào việc xây dựng và thực hiện chính sách dân số phù hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đồng thời hoàn thiện Dự án Luật Dân số (dự thảo luật) trình Quốc hội trong thời gian tới. 

Quyền con người về quy mô dân số

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là bộ phận quan trọng, là chiến lược phát triển đất nước và là yếu tố quyết định cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Do vậy, qua nhiều năm thực hiện và xây dựng Luật Dân số, đồng thời từ thực tiễn phải đổi mới, Đảng đã chỉ đạo chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Nhằm vận dụng các quy tắc và cam kết quốc tế trong xây dựng chính sách dân số và để Luật Dân số mới của Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế về quyền con người, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, chính sách dân số phải luôn liên quan mật thiết với quyền con người. Đầu tiên là quyền con người về quy mô dân số, trong đó có quyền được lựa chọn sinh sản, bao gồm việc tự do quyết định có sinh con hay không, giữ hay bỏ thai kỳ, lựa chọn các biện pháp tránh thai cũng như biện pháp kế hoạch hoạch hóa gia đình nào là tối ưu. Ngoài ra còn có quyền được quyết định về thời điểm sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh… cũng như các thông tin và biện pháp tiến hành các quyền này. 

Đồng quan điểm, TS. Lương Hùng Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định cho rằng, việc cho phép các cặp vợ chồng tự quyết định số con và khoảng cách sinh con là mong muốn thực tế của công dân, từ đó mới tạo tính công bằng cho mọi đối tượng và đảm bảo hạn chế việc tận dụng kẽ hở của pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cũng liên quan mật thiết đến quyền con người. Việc mất cân bằng tỉ lệ giới tính khi sinh hiện nay là do hành vi lựa chọn giới tính, tư tưởng thích con trai dẫn đến việc phân biệt đối xử. Bởi vậy, nghiên cứu dự thảo Luật, Giáo sư khoa học Phạm Thị Trân Châu - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học – Giáo dục và môi trường đề nghị Luật nên có hành vi nghiêm cấm lựa chọn thai nhi theo giới tính, cơ sở thực hiện hoạt động phá thai không đúng yêu cầu… từ đó đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, trong vấn đề tiền hôn nhân, cần tư vấn cho các cặp vợ chồng về kiến thức sinh sản. 

“Cái khó hiện nay là đói nghèo thì đẻ nhiều, khá giả, giàu thì đẻ ít” - TS.Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học -Giáo dục và Môi trường nhận xét. Làm rõ thêm quan điểm của mình, ông Dũng lấy dẫn chứng: “Trong giới trí thức và những người có kinh tế thường nghĩ rằng muốn có cuộc sống chất lượng cao thì không nên đẻ nhiều, trong khi người nghèo lại quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, do vậy thực tế này cần được thảo luận nhiều hơn nữa để đưa ra biện pháp đúng đắn. Thừa nhận tình trạng thành kiến nam - nữ vẫn diễn ra phổ biến, ông Dũng đề nghị “cần phải giáo dục kiến thức sinh học cho đại bộ phận người dân để từ đó loại bỏ quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cũng rất quan trọng và tôi nghĩ khi đăng ký kết hôn cần có giấy khám sức khỏe kèm theo”. 

Quyền con người liên quan đến cơ cấu dân số

Đề cập đến quyền con người liên quan đến cơ cấu dân số, cụ thể là quyền phân bố dân cư và di cư, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng: “Người di cư có quyền được hưởng tất cả các quyền con người cơ bản và Chính phủ phải có trách nhiệm tôn trọng bảo vệ cũng như thực hiện những quyền này ở mức cao nhất có thể trong đó có quyền tự do đi lại, tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền được chăm sóc sức khỏe, giáo dục và quyền bất khả xâm phạm thân thể… Ngoài ra, trong Luật Dân số cũng cần phải đáp ứng được việc phân bố dân cư cũng như nhu cầu của người di cư”. 

Thừa nhận việc di dân thường đi đôi với vấn đề về nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, một số ý kiến cho rằng hiện nay, nhiều bộ phận cộng đồng di dân không được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc họ bị lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây bất ổn xã hội. “Trong dự thảo Luật có quy định về vấn đề di dân, nhưng lại thiếu vấn đề căn bản là nơi cư dân đến phải được đảm bảo về đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Đây là vấn đề lâu dài phải tính đến trong Luật” - GS.TS Trương Hải Cường - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam nói.

Quyền con người trong già hóa dân số cũng là vấn đề quan trọng mà theo bà Quỳnh thì “các quyền về già hóa dân số có liên quan mật thiết đến nhóm dân số cao tuổi”. Do vậy các quy định về dân số già cần phải lưu ý đến các vấn đề như đảm bảo người cao tuổi có thể tiếp cận và chấp nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đảm bảo người cao tuổi không bị phân biệt đối xử trong quá trình sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo họ có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình… 

 “Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tôi thấy những nội dung liên quan người cao tuổi chủ yếu nghiêng về quyền lợi của người già, trách nhiệm nghĩa vụ của Nhà nước đối với người già, nhưng lại không đề cập đến nghĩa vụ của người già (như gương mẫu, trách nhiệm…) nhất là những người già còn khả năng lao động và nhu cầu được lao động, được đóng góp với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của họ trong khi lực lượng này ngày một gia tăng trong tương lai tới đây. Do vậy, theo tôi cần có nội dung này trong Luật” - GS.TS Trương Hải Cường đề xuất.

Nhấn mạnh tới việc chăm sóc người cao tuổi và vấn đề chất lượng dân số, Giáo sư khoa học Phạm Thị Trân Châu lại đưa ra ý kiến nên chăng quy định quyền được chấm dứt sự sống của mỗi người.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam: Đặt lợi ích và quyền lợi của người dân lên hàng đầu

- “Luật Dân số là một luật vô cùng quan trọng, có tác động rộng khắp tới toàn bộ các nhóm dân số của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ cùng phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng Luật Dân số để khi được đề xuất và thông qua sẽ đảm bảo 3 vấn đề chính: đặt lợi ích và quyền lợi của người dân lên hàng đầu, con người là trung tâm của sự phát triển hướng tới phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. Thứ hai, Luật Dân số sẽ tuân thủ hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Thứ ba, tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”. 

Ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam:

- Trong Điều 10 của dự thảo Luật về Quyền và nghĩa vụ công dân, cần lựa chọn những quy phạm ổn định trong pháp lệnh hiện hành và bổ sung quy định: “Vợ chồng quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh, có trách nhiệm nuôi, dạy con tốt, xây dựng gia đình ấm no, bình đằng, tiến bộ, hạnh phúc” để đưa vào nội dung của điều luật này. 

TS.Lương Hùng Tiến - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định:

- Theo tôi, Chính phủ nên xem xét và điều chỉnh về mức sinh. Bởi hiện nay Việt Nam để mức sinh quá thấp và nếu tiếp tục như vậy sẽ rất khó vực dậy. Không những thế, việc xử lý mức sinh thấp là rất khó, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… là ví dụ điển hình. 

TS. Trần Ngọc Tăng - Ủy viên Hội đồng tư vấn và Văn hóa Xã hội (UBTW MTTQ Việt Nam):

- Vấn đề dân số của một quốc gia là cực kỳ quan trọng, trên cơ sở dân số để xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Nội dung của dự thảo Luật cơ bản đề cập đến quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số, lồng ghép dân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vai trò quản lý nhà nước và dân số… Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét đổi tên của dự thảo thành Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. 

Đọc thêm