Ấp ủ
Dáng vẻ thư sinh cùng nụ cười tươi rói, anh “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Nhân (SN 1980, ngụ thôn Đông An, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ câu chuyện:
Sinh ra trong gia đình nông dân, cuộc sống khó khăn, Nhân phải sớm bỏ học, ở nhà làm ruộng, giúp mẹ cha nuôi các em ăn học.
Sau những năm tháng rèn giũa trong quân ngũ, Nhân trở về với đồng ruộng, mang trong mình giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê. Anh bắt tay vào xây dựng trang trại, trồng trọt, chăn nuôi.
“Hồi nhỏ xíu, tui đã rất thích mày mò các đồ điện tử. Trong nhà có thứ gì tui đều mang ra tháo, rồi lắp, rồi phá hỏng mất. Xót của, nên thấy tui mó tay vào thứ gì trong nhà, ba tui hết la lại đét vào mông, nhưng tui vẫn không chừa”, nụ cười thấp thoáng khi nghĩ về thời thơ ấu.
Năm học cấp hai, Nhân đã bắt đầu thực hiện “công trình” khoa học đầu tiên. Một chiếc máy ấp trứng đã ra đời, nguyên liệu làm từ bìa carton, bên trong bắt các bóng đèn để tăng giảm nhiệt độ, công tắc lắp bên ngoài. Chiếc máy ấy dù chỉ là mô hình trẻ con, không đưa vào sử dụng được, nhưng là khởi nguồn để gần 10 năm sau sáng chế ra đời.
Những ngày trằn mình nơi trang trại, vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt, Nhân liên tục nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời sản phẩm máy ấp trứng. Lúc này, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều loại máy ấp trứng, nhưng hiệu quả cho trứng nở chưa cao, trong khi người nông dân lại khó vận hành vì thao tác quá phức tạp, lại tiêu tốn nhiều điện năng. Thấy rõ nhược điểm của những dòng máy ấy, anh càng lao vào nghiên cứu.
Thành công
Sau 6 lần cải tiến, chiếc máy ấp trứng của anh Nhân đã xuất xưởng. Máy hoạt động dựa trên hệ thống cấp nhiệt, cấp ẩm, cảm biến đo nhiệt độ, đảo trứng, không khí và hút khí nóng… hoàn toàn tự động.
Bộ điều khiển được gắn phía bên ngoài máy nên khi có trở ngại rất dễ thay thế. Thao tác đơn giản nên trẻ con, người già, phụ nữ đều có thể sử dụng dễ dàng.
Hiện công suất lớn nhất của chiếc máy có thể ấp đến 14.000 trứng, thấp nhất là 300 trứng. Máy có thể ấp được các loại trứng như trứng gà, trứng vịt, trứng cút và cả trứng đà điểu.
“Tui luôn xem chiếc máy ấp trứng của mình là một “con gà”, nên liên tục cải tiến để các thông số kỹ thuật hoàn toàn phù hợp với tự nhiên. Do đó tỷ lệ trứng nở rất cao, từ 80% trở lên, cho con giống tốt, khỏe mạnh, ít bệnh tật, năng suất chăn nuôi cao”, anh Nhân cho biết.
Anh Nhân bên chiếc máy ấp trứng |
Thấy công dụng của chiếc máy, nhiều người địa phương đặt mua. “Tiếng lành đồn xa”, khách trong Nam ngoài Bắc tới tấp đặt hàng. “Hiện mỗi tháng anh Nhân cho xuất xưởng trên 100 máy. Có rất nhiều khách hàng sau khi mua máy, thấy hiệu quả kinh tế cao, nên quay lại đặt hàng, có khách hàng lần lượt mua đến 5 - 6 máy”, “kỹ sư” cho biết, ngoài thị trường trong nước, anh đã đưa sản phẩm sang Lào và Campuchia.
Không gục ngã
Chia sẻ bí quyết thành công, người đàn ông trầm giọng chân thành: “Để thành công, sống trong môi trường nào cũng cần phải rèn luyện tối đa, luôn cố gắng hết mình, làm việc hết sức và không ngừng học tập”.
Anh kể, những ngày tháng tuổi trẻ tham gia quân ngũ, sau những giờ đổ mồ hôi tập luyện trên thao trường, anh luôn vùi đầu vào đọc sách. “Nhiều đồng đội lúc đó thấy tui cứ chúi mũi đọc sách suốt, mới bảo nhau “để xem nó đọc sách nhiều như vậy, sau này có giàu nổi không”, anh cười nhớ lại.
Anh Nhân đang giới thiệu tính năng máy ấp trứng với một khách hàng |
Trong một lần được mời giao lưu với một trường đại học nông lâm nổi tiếng, anh đã thẳng thắn bày tỏ, “thành tựu của các anh nhiều quá, khiến tui nhìn vào mà hoang mang, nhưng chẳng có cái nào được áp dụng trong xã hội, trong khi phải tiêu tốn của nhà nước mỗi năm lên đến mấy chục tỷ để làm khoa học. Có hàng chục, hàng trăm giống lúa mới được các anh nghiên cứu mỗi năm, nhưng nông dân tụi tui quanh năm suốt tháng vẫn phải cấy trồng các loại giống cũ”.
Và phương châm của “nhà khoa học chân đất” ấy là: “đã tốn công sức, tâm huyết nghiên cứu, thì phải sử dụng cho “ngon”. Phải bắt “nó” làm giàu cho mình và cho mọi người, nếu không phí lắm. Có người khoe với tui, họ đã tiêu tốn mấy tỷ đồng của gia đình để làm khoa học, tui chỉ ước có một nửa số tiền ấy, để mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm đến gần với bà con nông dân mình hơn”.
“Kỹ sư chân đất” cho biết, trong tháng 8 tới, anh sẽ cho xuất xưởng dòng máy ấp trứng mới, có nhiều tính năng ưu việt hơn mà cả các dòng máy hiện đại của Nhật, Hà Lan…. Với cải tiến mới này, công đoạn tắm trứng sẽ hoàn toàn do máy tự động làm việc, tiết kiệm rất lớn nguồn nhân công lao động mà các dòng máy hiện đại nhất hiện nay vẫn chưa làm được./.