10 năm tới: Thời của siêu thị, trung tâm thương mại

(PLO) - Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm tới sẽ có 1.300 siêu thị và hơn 300 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm lớn được xây dựng trên cả nước và đây là kênh quan trọng để người dân có thể tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn.    
Các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại sẽ phát triển mạnh trong 10 năm tới. Ảnh minh họa
Các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại sẽ phát triển mạnh trong 10 năm tới. Ảnh minh họa

Phát triển mạnh chuỗi cung ứng hiện đại

Vụ Quản lý thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ hiện chiếm khoảng 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Nếu chỉ tính mặt hàng thực phẩm tươi sống lưu thông qua chợ thì tỷ trọng còn lớn hơn rất nhiều, chiếm tới gần 70%. Trong khi đó, 60% siêu thị hiện cũng đã kinh doanh mặt hàng thực phẩm. 

Cơ quan quản lý thị trường nội địa đánh giá, nếu hàng hóa trong siêu thị hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố hợp quy hoặc chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và hình thành theo chuỗi thì thực phẩm tại các chợ truyền thống lại chứa nhiều rủi ro về ATTP. 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước khẳng định: Các kênh phân phối hiện đại đang là giải pháp hỗ trợ hiệu quả đầu ra cho các mô hình sản xuất nông sản an toàn. Do vậy, việc phát triển mạng lưới chợ siêu thị trên toàn quốc là phần quan trọng trong phát triển hạ tầng thương mại nhằm hướng tới việc đảm bảo ATTP. 

Theo bà Nga, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cả nước với mục tiêu phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu hàng ngày của người dân. Qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống người dân. 

Tuy còn phải đối diện với nhiều thách thức nhưng hệ thống phân phối theo chuỗi, qua các kênh phân phối hiện đại là xu hướng phát triển mạnh trong 5 năm tới. Dự báo của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, đến năm 2020 chỉ tính riêng mặt hàng nông, lâm, thủy sản an toàn phân phối qua các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm tới 40% thị phần trong nước. 

Với xu hướng đó, Phó Vụ trưởng Nga cho biết, theo quy hoạch mới được Bộ Công Thương phê duyệt thì tới năm 2025, cả nước sẽ có tới 78 chợ đầu mối đạt chuẩn, 304 chợ hạng 1 đạt chuẩn. Có từ 1.200 đến 1.300 siêu thị, 180 Trung tâm thương mại và 157 Trung tâm mua sắm.   

Số phận chợ truyền thống?

Ngoài phát triển hệ thống chuỗi cung ứng hiện đại, việc sắp xếp, kiểm soát hệ thống chợ truyền thống cũng là vấn đề lớn đang đặt ra cho ngành công thương. 

Theo Vụ Quản lý thị trường trong nước, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi hiện nay chính là nguồn lực để phát triển kênh này tại các vùng nông thôn. Bởi trong 8.660 chợ truyền thống đang tồn tại thì có tới 76% nằm ở khu vực nông thôn và 86% được xếp hạng là chợ hạng 3, có cơ sở hạ tầng cực kỳ yếu kém. Vì thế, để cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn vào hệ thống chợ hạng 3 đòi hỏi cần phải có sự nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi không thể ngồi một chỗ và trông chờ ở nguồn ngân sách vốn đang ngày càng hạn hẹp. 

Không phải chuyện xa xôi, ngay tại Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh ATTP, khi Bộ Công Thương đang triển khai hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP” tại 32 địa phương nhưng đang phải tạm dừng vì chưa có nguồn kinh phí để triển khai tiếp ở 31 tỉnh, thành còn lại.

Trong giai đoạn 2011-2015, Nhà nước chỉ mới chi 14,5 tỷ đồng để xây dựng mô hình chợ ATTP. Tuy nhiên, kế hoạch này còn rất khiêm tốn so với con số dự kiến là 100 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, số địa phương thực hiện chương trình tuy không phải nhiều, nguồn lực còn hạn chế nhưng chương trình đã giúp người dân nhận thức rất rõ vấn đề kinh doanh thực phẩm an toàn, ý thức của người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cũng đã được nâng lên rất nhiều. 

“Đến năm 2016, chương trình này đã phải tạm dừng nhưng chúng tôi rất mong chờ chương trình sẽ tiếp tục được khởi động trở lại khi có nguồn kinh phí”- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước bày tỏ.  

Hệ thống phân phối hiện đại đang ngày càng lớn mạnh

Theo Bộ Công Thương, hiện đang có một số chuỗi cung ứng hiện đại nổi bật như: Chuỗi ngang là hệ thống các siêu thị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP như Metro: 19 cơ sở; Bic C: 32 cơ sở; Fivimart: 18 cơ sở; Vinmart+: trên 400 cơ sở; hệ thống chuỗi Satrafood với 60 cửa hàng; Co.op Mart và Co.op Food trên 140 điểm. Chuỗi dọc là hệ thống chuỗi được Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, Bộ NN&PTNT xác nhận thí điểm: 85 cơ sở tại 18 tỉnh, thành phố; hệ thống VinEco, FVF, Mitrafood…

Đọc thêm