Thị trường hấp dẫn
Trong những ngày này, chị Thu Hương không còn đến khu chợ chuyên bán đồ tươi sống ở gần nhà nữa. Thay vào đó, chị chọn lên một chiếc taxi và đến trung tâm thương mại Aeon được mở tại Hà Nội 9 tháng trở lại đây.
Tại đó, trong khi mua đồ cho gia đình gồm 5 người của mình, chị Hương vừa có thể đắm mình trong không khí mát lạnh do những chiếc điều hòa mang đến vừa có thể dùng wifi miễn phí.
“Đi mua đồ ở đây rất tiện. Tôi có thể mua tất cả những thứ mà gia đình mình cần trong cả tuần. Tôi cũng thấy việc mua bán ở những nơi như thế này hiện đại và dễ chịu hơn” – chị Hương, một nhân viên 30 tuổi của một công ty sữa, cho hay.
Với một dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho những công ty như Aeon, Takashimaya và Seven & i Holdings. Lý do của việc này nằm ở chỗ thị trường Trung Quốc đang chậm lại còn thị trường nội địa ở Nhật thì đang rất ảm đạm.
“Nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ở nước này cũng gia tăng một cách bùng nổ. Thị trường bán lẻ ở đây đang mở rộng và sức tiêu thụ cũng rất mạnh, đặc biệt là ở nhóm người trẻ” – ông Nagahisa Oyama, người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động ở Việt Nam của Aeon, cho hay.
Người trẻ hiện chiếm số lượng lớn trong tổng số dân gồm 93 triệu người của Việt Nam. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, gần 60% dân số Việt Nam hiện nay ở độ tuổi dưới 35 và những người này ngày càng được học hành nhiều hơn.
4 ngày sau khi một trung tâm thương mại Aeon được mở ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/7 vừa qua, theo thống kê của Aeon, doanh số bán hàng của họ được ghi nhận đã cao hơn 18% so với ước tính ban đầu. Aeon – nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản tính về doanh số bán hàng – hiện đang điều hành 4 trung tâm thương mại và 54 siêu thị ở Việt Nam.
Số siêu thị của Aeon ở đây nhiều hơn gấp đôi số cửa hàng tạp hóa mà công ty đã đầu tư ở Trung Quốc và chiếm 1/3 số siêu thị mà doanh nghiệp Nhật Bản này đã mở ở bên ngoài thị trường nội địa.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản mới đang tìm cách thu về những khoản lợi nhuận lớn từ thị trường Việt Nam. Khoảng 20% các công ty tiêu dùng từ Nhật – từ các nhà sản xuất chocolate tới công ty mỳ ăn liền hay các công ty sản xuất trà xanh – mới đây đã có cuộc gặp với những đối tác tiềm năng người Việt Nam tại một hội thảo về đầu tư được Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ và Ngân hàng Công thương Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
Các tập đoàn của Nhật Bản đang tăng cường tìm kiếm các thị trường bên ngoài để tìm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng. Aeon đã ghi nhận lỗ ròng trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, đánh dấu quý thứ 3 thua lỗ của công ty chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây khi doanh số bán hàng tại Nhật sụt giảm do nền kinh tế suy giảm và người dân ngày càng tiết kiệm trong chi tiêu.
“Chúng tôi nghĩ sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ gia tăng với các cửa hàng tiện ích của Nhật cũng như khi các công ty của Hàn Quốc và Thái Lan vào nước này” – ông Oyama nhận định. Ông Oyama cho biết thêm rằng việc công ty kết hợp với các chuỗi cửa hàng tạp hóa địa phương như Citimart và Fivimart sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty trong thời gian tới.
Là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, dân số của Nhật Bản trong năm 2015 đã giảm ở mức cao nhất được ghi nhận, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp dân số nước này liên tục giảm.
Ngược lại, theo các số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ người trẻ ở Việt Nam lại đang gia tăng nhanh chóng. Không những thế, sức mua của nhóm đối tượng này cũng được thúc đẩy khi thu nhập trung bình của người dân đã tăng lên thành khoảng 2.111 USD trong năm ngoái, so với mức chỉ 433 USD của năm 2000.
Thị trường bán lẻ đang tăng trưởng
Theo Nielsen Vietnam, những người tiêu dùng ở Việt Nam đang ngày càng mong muốn được trải nghiệm những hoạt động mua sắm có chất lượng tốt hơn, thúc đẩy mô hình bán lẻ của nước này có bước chuyển đổi khỏi một thị trường vốn chủ yếu là các khu chợ nhỏ chuyên bán đồ tươi sống mọc lên giữa những con phố.
Một thống kê của chính phủ Việt Nam được công bố hồi tháng 6 cho biết ở nước này có gần 9.000 khu chợ, 800 siêu thị và hơn 1 triệu cửa hàng tiện ích nhỏ do những hộ gia đình mở ra để kinh doanh.
Báo cáo cho hay, chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ và các trung tâm thương mại dự kiến sẽ tăng lên thành 40% vào năm 2020 so với con số 25% của hiện nay. Ngược lại, các khoản tiêu dùng tại các cửa hàng truyền thống lại có xu hướng giảm.
Ông Roberto Butragueño – Phó Giám đốc bộ phận dịch vụ bán lẻ của Nielsen Vietnam – cho biết, sự chuyển biến của thị trường bán lẻ của Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ vào khoảng 2 năm trước, với sự hỗ trợ từ cả các công ty lớn trong nước lẫn những công ty đa quốc gia vốn đang tìm cách đẩy nhanh sự phát triển của họ để tạo được những nền tảng vững chắc ở Việt Nam.
Những người tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang yêu cầu nhiều hơn. Theo khảo sát của Nielsen, 6 trong 10 người Việt Nam cho biết họ muốn các cửa hàng ở gần để tiện đi lại nhưng cũng có chừng đó người cho hay họ muốn những cửa hàng được bài trí theo cách thức hợp lý để cải thiện chất lượng trải nghiệm mua bán của họ.
Xu hướng mua sắm của người Việt Nam đang thay đổi. |
Dân số trẻ
Ông Hironobu Hanai – người phát ngôn của công ty Takashimaya – cho biết, trong tháng 7, công ty chuyên về các cửa hàng bách hóa này sẽ mở một cửa hàng có diện tích lên đến 15.000m2 ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là cửa hàng đầu tiên của Takashimaya ở Việt Nam, được mở ra với mong muốn khai thác những thị trường nước ngoài đang phát triển mạnh hơn so với thị trường trong nước, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Hanai, dân số trẻ của Việt Nam và tỉ lệ tăng trưởng cao của nước này là những điểm hấp dẫn đối với Takashimaya. Công ty đã đầu tư khoảng 5 tỉ yên (47 triệu USD) vào Việt Nam từ năm 2012, trong đó có các khoản đầu tư để xây các cửa hàng và các bất động sản khác mới ở Việt Nam.
Là một phần trong kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực Vành đai Thái Bình Dương, chuỗi cửa hàng tiện ích khổng lồ của Nhật Bản 7-Eleven hồi năm ngoái cũng đã ký thỏa thuận chuyển nhượng với hệ thống Seven Việt Nam.
Và sự chú ý tới thị trường bán lẻ của Việt Nam không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc hiện cũng đang đặt mục tiêu mở 60 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2020 trong khi công ty TCC Holding của Thái Lan cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Metro AG’s Cash & Carry ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (720 triệu USD).
Những chiếc túi nilon
Trong khi đó, những nhà bán lẻ trong nước cũng đang tìm cách đẩy lùi xu hướng thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại. Tập đoàn Vingroup ở Hà Nội cho biết, trong vòng 5 năm tới, họ dự định sẽ mở khoảng 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện ích dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ dù các nhà bán lẻ lớn từ nước ngoài đang “tạo ra những khó khăn cho các công ty trong nước”.
Công ty Thế giới di động – một trong những nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu của Việt Nam – cũng đang có kế hoạch mở các cửa hàng tiện ích trong năm tới. Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài trong một cuộc phỏng vấn nói rằng phân khúc mới này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với hoạt động bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện tử của tập đoàn.
“Thị trường ở đây rất lớn. Trung bình mỗi 2 năm người ta lại thay điện thoại di động nhưng họ phải mua thực phẩm tươi sống và thịt mỗi ngày. 10 năm trước, anh thấy những người phụ nữ mang những chiếc túi nilon tới những khu chợ ẩm ướt để mua thực phẩm mỗi ngày nhưng anh có thể sẽ không còn thấy hình ảnh này trong tương lai. Đó là việc mà chúng tôi gọi là “thay đổi thế hệ”” – ông Tài nói.