10 nhiệm vụ ưu tiên cho kế hoạch tái cơ cấu kinh tế

(PLO) - Theo báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, để thực hiện các mục tiêu của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2010, sẽ có 10 nhiệm vụ được tập trung ưu tiên:
Hình minh họa
Hình minh họa

- Nhiệm vụ ưu tiên 1: Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 1).

- Nhiệm vụ ưu tiên 2: Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 2).

- Nhiệm vụ ưu tiên 3: Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 2).

- Nhiệm vụ ưu tiên 4: Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường (Nhiệm vụ 5 của Nội dung 2).

- Nhiệm vụ ưu tiên 5: Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng (Nhiệm vụ 2 của Nội dung 3).

- Nhiệm vụ ưu tiên 6: Mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 3).

- Nhiệm vụ ưu tiên 7: Hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 4).

- Nhiệm vụ ưu tiên 8: Tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp (Nhiệm vụ 2 của Nội dung 4).

- Nhiệm vụ ưu tiên 9: Khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh, sạch, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 4).

- Nhiệm vụ ưu tiên 10: Bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 5).

Đồng thời, trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế nêu trên, Chính phủ đã xây dựng Danh mục Đề án, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 với 70 đề án, nhiệm vụ cụ thể, với thời gian thực hiện cụ thể, và dự kiến giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Trước đó, trong tờ trình về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã đưa ra 5 nội dung trọng tâm của mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, đó là: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Chính phủ cũng cho biết lộ trình thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế sẽ có 70 nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan. 

Trong đó, có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong giai đoạn 2017 - 2018, cụ thể như: Kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém;) Kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt: Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước; Hoàn thiện thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công. Đổi mới cơ chế quản lý và phân bổ đầu tư công theo nguyên tắc cạnh tranh, trên cơ sở lĩnh vực ưu tiên đầu tư và các đề xuất dự án tốt, khả thi qua đó giảm xin - cho trong phân bổ đầu tư công; Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách Luật Ngân sách và tái cơ cấu chi ngân sách; đầu tiên là thực hiện đầy đủ, nhất quán kỷ luật ngân sách, nhất là kỷ luật chi ngân sách đối với từng dự án, từng đơn vị, từng địa phương, bộ ngành và Chính phủ;  Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường. Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công; và buộc họ hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời tự do hóa, thị trường hóa dịch vụ công, mở cửa cho tư nhân tham gia ngày càng nhiều hơn; Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương. Tập trung tái cơ cấu phát triển các ngành ưu tiên, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế; Tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhân lực và thị trường khoa học và công nghệ.

Đọc thêm