Tài liệu nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) và xử lý tang vật sau khi tịch thu hoặc được tự nguyện chuyển giao trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm phát hành tài liệu này (tháng 5/2020).
Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV, tài liệu "Hướng dẫn thực thi pháp luật về ĐVHD" của ENV được xuất bản lần đầu tiên vào đầu năm 2018, và liên tục được cập nhật, bổ sung qua các năm.
Cũng theo bà Hà, trong ấn phẩm tái bản mới nhất này, các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành như Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do Chính phủ ban hành ngày 16/07/2019; Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT quy định về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 31/12/2019 đã được bổ sung giúp người sử dụng có cái nhìn tổng quan về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến ĐVHD. Danh mục loài và mức độ bảo vệ của các loài ĐVHD cũng được rà soát để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật trong nước và quốc tế áp dụng tại thời điểm hiện tại.
|
Hướng dẫn thực thi pháp luật về Bảo vệ ĐVHD” được xây dựng nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm phổ biến về ĐVHD (ảnh minh họa) |
Trao đổi về mục đích ra đời của tài liệu, bà Hà cho biết “Hướng dẫn thực thi pháp luật về Bảo vệ ĐVHD” được xây dựng nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm phổ biến về ĐVHD như: hành vi quảng cáo rao bán ĐHVD, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép ĐHVD hay các sản phẩm của.
Cùng với cơ sở pháp lý tương ứng, các cơ quan chức năng có thể tham khảo các biện pháp xử lý đối với từng hành vi vi phạm tác động lên mỗi loài nhất định theo quy định của pháp luật một cách nhanh nhất.
"ENV cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về trình tự, thủ tục cũng như cách thức xử lý tang vật ĐVHD bị tịch thu hay tự nguyện chuyển giao để vừa đảm bảo áp dụng chính xác pháp luật vừa có ý nghĩa bảo tồn với các loài ĐVHD.
Các biện pháp được khuyến khích thực hiện với các loài ĐVHD như chuyển giao tới trung tâm cứu hộ phù hợp đối với các loài ĐVHD còn sống hoặc chuyển giao tới các cơ sở nghiên cứu khoa học, bảo tàng thiên nhiên và tiêu hủy trong trường hợp ĐVHD đã chết hoặc sản phẩm, bộ phận của ĐVHD" - theo bà Hà
Được biết, hơn 1.000 bản in tài liệu này sẽ được gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án, Viện Kiểm sát trên khắp cả nước để hỗ trợ hiệu quả các nỗ lực thực thi pháp luật.
Các cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật về ĐVHD có nhu cầu nhận thêm bản in tài liệu này có thể liên hệ đến đường dây nóng 1800-1522 của ENV hoặc email đến địa chỉ: cgteam.env@gmail.com để được hỗ trợ.