Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thống kê, năm 2012, kiều hối có thể đạt 10 – 11 tỷ đô la, tăng khoảng 15 – 20% so với năm 2011. Tuy nhiên, điều gây băn khoăn là trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, các kênh đầu tư nhìn chung đều trầm lắng, không biết lượng vốn khủng này đã hấp thu vào những lĩnh vực?
|
Lượng kiều hối từ lao động ngoài nước chắc chắn sẽ không rót vào thị trường chứng khoán và bất động sản”. Ảnh: Anh Sơn |
Đầu tư kênh nào?
Các năm trước, thị trường chứng khoán và bất động sản luôn trong tâm trạng chờ mùa kiều hối dịp cuối năm, bởi lẽ, mỗi khi lượng kiều hối cuối năm về nhiều, khoản tiền được đầu tư cho chứng khoán và bất động sản tăng vọt. Năm nay, dù thị trường bất động sản còn khá ảm đạm, nhưng một số dự án cũng đã rục rịch có hoạt động đón mùa kiều hối. Thậm chí, thông tin về lượng kiều hối có thể đạt mức kỷ lục cũng đã thổi không khí hy vọng vào thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch đầu năm 2013.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh – chuyên gia kinh tế độc lập – lại cho rằng, thị trường bất động sản và chứng khoán cũng chưa hy vọng gì vào lượng kiều hối năm nay, bởi hai thị trường này chưa tạo được niềm tin để đầu tư.
“Lượng kiều hối từ lao động ngoài nước chắc chắn sẽ không rót vào thị trường chứng khoán và bất động sản” – ông Vinh nói – “Trong khi đó, kiều hối từ những nguồn khác cũng sẽ tìm kênh có lợi cao hơn, vững chắc hơn, mà chứng khoán và bất động sản lại đang trong giai đoạn trông chờ chính sách để tái cơ cấu, vượt qua khủng hoảng”.
Ông Vinh cho rằng, do người Việt Nam không có thói quen cất giữ tiền, dù đó là ngoại tệ, nên kênh ngân hàng sẽ là kênh “hấp dẫn hơn cả” để đầu tư vào lúc này, bởi “năm 2012 là năm mà Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách và những điều hành giữ tỷ giá tương đối ổn định, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và trong ngân hàng không còn nhiều, nên chắc chắn nhiều khách hàng nhận được tiền bán lại và gửi lại cho ngân hàng”.
Điều này cũng khá trùng hợp với tổng kết năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, khi lượng kiều hối trong năm 2012 chuyển về thành phố đạt 4,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2011, trong đó lượng kiều hối được bán lại cho ngân hàng là 34%, tăng mạnh so với con số chỉ khoảng 15% của năm trước. Cũng theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, lượng kiều hối vào bất động sản năm 2012 chỉ còn khoảng 23% so với năm ngoái là 52%.
Một chuyên gia từ Vietinbank nhận định, có một khoản không nhỏ kiều hối được chuyển về để gửi trong ngân hàng Việt Nam lấy lãi suất cao hơn bởi ở Mỹ lãi suất tiết kiệm bằng đô la chỉ khoảng 0,35%/năm.
Kỳ vọng dành cho kiều hối
Nếu con số mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra là chính xác trên thực tế, thì mức 11 tỷ đô la được coi là mức kiều hối kỷ lục trong một năm, và mức tăng 15 – 20% được coi là mạnh nhất trong vòng 4 năm qua.
Hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Nguồn kiều hối năm nay tăng trưởng mạnh có đóng góp đáng kể từ khoảng 400.000 lao động xuất khẩu. Ước tính, nếu mỗi lao động xuất khẩu gửi về cho người thân 2.500 đô la một năm thì lượng kiều hối từ nhóm đối tượng này đạt khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm.
Nhìn vào sự phát triển của dòng kiều hối về Việt Nam, chúng ta có thể thấy một nguồn lực đáng kể có thể “sẻ” gánh nặng của việc phát hành tiền hoặc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước năm 1998, lượng kiều hối về Việt Nam còn ở mức dưới 1 tỷ USD/năm, thì từ năm 1999 đến nay đã gần như tăng liên tục qua các năm và đạt quy mô khá (từ năm 1999 đã vượt qua mốc 1 tỷ USD, từ năm 2002 đã vượt qua mốc 2 tỷ USD, từ năm 2004 đã vượt qua mốc 3 tỷ USD, từ năm 2006 đã vượt qua mốc 5 tỷ USD, sau đó cứ sau 1 năm là vượt thêm 1 tỷ USD).
Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tính từ năm 1993 đến nay đã lên tới 70 tỷ USD. Đó là lượng ngoại tệ khá lớn khi việc so sánh với các nguồn ngoại tệ khác. Lượng kiều hối so với GDP bình quân từ năm 1993 đến nay bằng hoặc trên 7%, trong đó từ năm 2004 đến nay đạt cao hơn (8,5%), riêng năm 2007 và 2012 vượt qua mốc 9%.
Một con số dẫn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện từ năm 1993 đến nay lượng kiều hối đạt 72%, trong đó có những năm lượng kiều hối còn lớn hơn FDI thực hiện (như năm 2003 là 2.657 triệu so với 2.650 triệu USD, bằng 100,3%, năm 2004 là 3.200 triệu so với 2.853 triệu USD, bằng 112,2%, năm 2005 là 3.800 triệu so với 3.309 triệu USD, bằng 114,8%, năm 2006 là 5.200 triệu so với 4.100 triệu USD, bằng 126,8% và năm 2012 có thể đạt 11- 12 tỷ USD so với 11 tỷ USD). Còn so với lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân từ năm 1993 đến nay thì lượng kiều hối cao gấp trên 2 lần.
Nguyễn Tuấn