12 Dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả: Xử lý thông thường không được thì có biện pháp mạnh hơn!

(PLO) - Chiều 5/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Dự án nhiên liệu sinh học ethanol Quảng Ngãi đang vận hành ở mức 30%.
Dự án nhiên liệu sinh học ethanol Quảng Ngãi đang vận hành ở mức 30%.

75% vốn của 12 dự án là đi vay 

Báo cáo tình hình xử lý 12 dự án, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đã có một số doanh nghiệp khởi động trở lại và có hiệu quả nhất định.

 Nhà máy Gang thép Thái nguyên của Tổng Công ty Thép Việt Nam hiện đã phối hợp giải quyết vướng mắc liên quan đến nhà thầu. Theo đó, nhà thầu MCC mong muốn tiếp tục đảm nhận hoàn thành nhiệm vụ; hoàn thành việc rút vốn của SCIC; xây dựng chi tiết phương án và khả năng tăng vốn điều lệ; đối với dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai, hiện đã tiếp tục triển khai dự án dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm…

Dự án sản xuất sơ xợi Đình Vũ đang hết sức khó khăn, đặc biệt khi bị thua kiện trong vụ tranh chấp với khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng cơ sở. Do không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ, công ty này sẽ bị phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu…

Khó khăn nhiều nhất vẫn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Trong đó, dự án nhiên liệu sinh học ethanol Quảng Ngãi đang vận hành ở mức 30% và đang kiến nghị tăng thêm vốn; Các nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước cũng gặp khó.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong 12 dự án đang “đắp chiếu” có đến 10 nhà máy đang hoạt động hoặc phải dừng sản xuất có lỗ luỹ kế đến tháng 12/2016 lên đến 16.126 tỷ đồng. Trong khi đó, 75% vốn của 12 dự án là đi vay với 63.610 tỉ đồng (tương đương gần 3 tỉ USD). Có 6 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cả 6 dự án đều thua lỗ, gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Nhà máy Phân đạm DAP số 1 Đình Vũ, Nhà máy Phân đạm DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Nhà máy Thép miền Trung.

Gắn rõ trách nhiệm để thực hiện

Theo Phó Thủ tướng, những sai phạm, yếu kém trong quá trình đầu tư và vận hành có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do chủ quan. “Khi lập dự án, phê duyệt dự án thì rất nhanh, nhưng khi tổ chức thực hiện dự án và quản lý đầu tư xây dựng thì rất trì trệ. Vướng mắc với nhà thầu EPC, kéo dài thời gian thi công nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 50%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và cho biết hiện tại, có những dự án kéo dài nhiều năm đến giờ vẫn chưa xong, có dự án xong rồi nhưng cũng không hoạt động được. Trong khi lập phương án đầu tư và sản xuất kinh doanh, các con số đầu vào khả quan, tính toán phương án đầu ra cao, nhưng khi đi vào vận hành thực tế thì chi phí đầu ra rất thấp.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức họp riêng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng người. “Xử lý thông thường không được thì có biện pháp mạnh hơn, không làm được thì thay thế cán bộ, tài sản không định giá được thì cho cơ quan chức năng định giá, xem xét có tiêu cực tham nhũng hay không? Thứ trưởng nào phụ trách dự án, gắn rõ trách nhiệm để thực hiện. Tinh thần là nếu trong quá trình làm mà có sai phạm, chây ì hoặc cản trở thì sẽ xử lý”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại chỉ đạo của Bộ Chính trị đó là phải giải quyết dứt điểm tồn tại vướng mắc, khắc phục thua lỗ tối đa cho Nhà nước. Cụ thể, năm 2017 phải hoàn thành phương án và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai phương án; năm 2018 xử lý căn bản tồn tại yếu kém; năm 2020 hoàn thành việc xử lý. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh với các tổ chức, cá nhân để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước tại các dự án.

Đọc thêm