14 người chết vì nhiễm khuẩn E.coli ở Đức

Nhiều bệnh viện ở phía Bắc nước Đức đang trong tình trạng quá tải vì tiếp đón nhiều bệnh nhân nhiễm một loại khuẩn hiếm gặp có thể gây chết người, sau khi ăn rau sống, dưa chuột và một số loại rau khác. Nhiều nước châu Âu đã cấm nhập khẩu các loại rau này từ Đức và Tây Ban Nha.

Nhiều bệnh viện ở phía Bắc nước Đức đang trong tình trạng quá tải vì tiếp đón nhiều bệnh nhân nhiễm một loại khuẩn hiếm gặp có thể gây chết người, sau khi ăn rau sống, dưa chuột và một số loại rau khác. Nhiều nước châu Âu đã cấm nhập khẩu các loại rau này từ Đức và Tây Ban Nha.

 

Theo Hãng tin AFP, số người chết tại Đức đã lên tới 14 người sau khi có hai ca tử vong mới vào chiều ngày 30/5 vì nhiễm khuẩn E.coli, chính quyền khu vực cho biết. Đây là chủng khuẩn E.coli hiếm gặp có khả năng kháng sinh, gây ra hội chứng tán huyết, tăng urê máu (HUS), gây suy thận. Viện Robert Koch đã xác nhận 3 ca tử vong liên quan trực tiếp đến khuẩn E.coli này, song “theo thông tin từ chính quyền khu vực thì tất cả khoảng một chục người khác cũng đã chết”, Giám đốc Viện Robert Koch, ông Reinhard Burger -  tuyên bố với báo giới. Ông Koch cũng cảnh báo “nhiều ca tử vong mới có thể xảy ra trong tương lai”. 

Ông Reinhard Burger cũng nói thêm: “Không có bất cứ lý do nào để hủy cảnh báo”. Theo ông, 352 ca bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, mắc các rối loạn thận nghiêm trọng (gọi là hội chứng tán huyết, tăng urê máu – SHU) có khả năng gây chết người, đã được thống kê, “nhưng số người nhiễm trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều”.

Trong khi chờ đợi các kết quả phân tích, một số nước đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn:

        Nga đã cấm nhập khẩu cà chua, dưa chuột và xà lách được sản xuất từ Đức và Tây Ban Nha, đồng thời cảnh báo lệnh cấm này có thể mở rộng đối với tất cả các sản phẩm rau của châu Âu.

        CH Séc và Pháp đã bỏ dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha ra khỏi các kệ hàng vì lo ngại lây nhiễm khuẩn E.coli.

        Áo cấm bán dưa chuột, cà chua, cà tím nhập khẩu qua Đức.

        Bỉ cấm nhập khẩu dưa chuột từ Tây Ban Nha và Hà Lan.

        Đan Mạch tuyên bố không chắc chắn về những nghi ngờ nguồn lây nhiễm có thể liên quan tới dưa chuột của nước này và đã bắt đầu làm các xét nghiệm liên quan.

Đối phó với đợt lây nhiễm khuẩn E.coli chưa từng thấy ở nước Đức và cũng là một trong những đợt lây nhiễm khuẩn tồi tệ nhất trên toàn thế giới, chính quyền Đức lo ngại rằng đợt lây nhiễm cao điểm vẫn chưa đến vì hiện nay còn có nhiều trường hợp đang ủ bệnh.

“Một đợt lây lan chưa từng thấy (…) Thông thường, người ta ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi năm, nhưng nay chúng tôi tiếp nhận 1.200 ca chỉ trong 10 ngày”, Giám đốc bệnh viện thận Ludenscheid, Giáo sư Jan Galle cho biết. Cũng theo Giáo sư Galle, chủng E.coli phát hiện thấy lần này ở Đức là đặc biệt hiếm gặp.

Trước tình hình trên, người tiêu dùng ở châu Âu, đặc biệt tại Đức, mỗi ngày lại lo lắng thêm, họ tránh xa các quầy hàng rau. Một cuộc họp khẩn vừa được tổ chức tại Berlin, tập hợp nhiều chuyên gia và quan chức chính trị để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Các Bộ trưởng Nông nghiệp châu Âu họp tại Debrecen (Hungary) cũng tỏ ra lo ngại về làn sóng lây nhiễm khuẩn chưa từng thấy này.

Ở phía Bắc nước Đức, ổ bệnh lớn nhất, nhiều bệnh viện đã quá tải. “Chúng tôi tiếp nhận 61 ca người lớn được chuyển tới, trong đó 21 ca phải điều trị tăng cường và 18 trẻ em, trong đó có 4 ca điều trị tăng cường”, phát ngôn viên Bệnh viện đại học Eppendorf ở Hambourg cho biết. Bệnh viện này đã phải phát đi lời kêu gọi khẩn cấp tới người dân để họ đi hiến máu cứu người.

“Chúng tôi sử dụng từ 500 đến 700 túi huyết tương mỗi ngày trong thời điểm này, trong khi bình thường chỉ sử dụng 60 túi. Chúng tôi đang cạn nguồn dự trữ. Số ca nhiễm mới dường như giảm nhẹ, nhưng số ca nhiễm nặng nhất với SHU kèm theo các biến chứng lại tăng lên”, phát ngôn viên nói trên cho biết thêm.

Cho tới nay, mọi nghi ngờ về nguồn lây nhiễm đổ dồn vào dưa chuột được trồng trong nhà kính ở Andalusia, miền Nam Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sự lây nhiễm qua đường cung ứng cũng không bị loại trừ. Việc phân tích các lô hàng nhập khẩu thuộc diện “tình nghi” vẫn đang diễn ra.

Kết quả phân tích sẽ không được công bố trước ngày 1/6, theo Tây Ban Nha, nước hiện vẫn đang phủ nhận những cáo buộc từ Đức và tìm kiếm “câu trả lời” của EU về “những thiệt hại không thể khắc phục được” đối với ngành nông nghiệp nước này trong cuộc khủng hoảng.

Các trường hợp đã được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn E.coli nói trên được ghi nhận tại Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Áo, Pháp và Thụy Sĩ, song tất cả những người đã nhiễm hoặc bị nghi ngờ nhiễm dường như đều trở về từ Đức, AFP cho biết.                   

Thủy Thu

Đọc thêm