16 năm tù cho Phó chánh thanh tra Bộ Công thương “rởm“

(PLO) - TAND TP Hà Nội hôm qua, 1/4, xét xử bị cáo Nguyễn Minh Phương (SN 1975, trú tại thị trấn Phong Châu, Phù Ninh, Phú Thọ) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Bị cáo Phương tại tòa.
Bị cáo Phương tại tòa.

Biết nhiều người có nhu cầu muốn được vào làm việc tại một số cơ quan nhà nước, Phương đã tung tin và rêu rao mình là cán bộ, công nhân viên chức của Bộ công thương có quen biết nhiều “mối lớn” để xin việc.

Sau đó, Phương đã đi đi in hàng trăm phong bì giấy có hình Quốc huy với tên cơ quan phát hành bên ngoài là Bộ Công thương và các con dấu cùng một số Công văn có họ tên của đối tượng rồi lên mạng Internet lấy nhiều mẫu văn bản, chữ ký lãnh đạo cùng con dấu của Bộ Công thương, đem in ra, cắt dán để tạo thành hàng loạt quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ và cả các hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động đi kèm.

Để “củng cố” lòng tin với các bị hại, Phương đã đi thuê ở cửa hiệu quảng cáo làm giả 5 chiếc thẻ công chức và Thẻ Thanh tra Cục Công nghiệp địa phương rồi thường xuyên mặc quân phục trong ngành có “sao vạch” loại “khủng”. Có lúc đối tượng còn tự nhận là Phó chánh Thanh tra của Bộ Công thương. Vì vậy, đã có nhiều người tìm đến Phương để xin việc làm cho con em của họ.

Tháng 7/2013, Phương quen biết ông Lê Đình Nhàn (SN 1962, ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) qua một mối quan hệ và thường “tâng bốc” bản thân đã xin được cho nhiều người vào làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn với giá từ 20 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/người, tùy từng vị trí công việc.

Từ đó, ông Nhàn tin tưởng và “bàn giao” tiền cùng hồ sơ cho Phương để xin việc làm cho vợ cùng con gái và 7 người là họ hàng vào làm việc tại Bộ Công thương và Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ngoài các trường hợp ở trên, Phương còn nhận tiền của hàng chục trường hợp khác ở các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hà Nội. Trong đó, có trường hợp ông Trần Danh Tuyên (trú ở Vĩnh Phúc) đưa 400 triệu đồng để nhờ Phương xin cho con gái vào làm việc tại cơ quan bộ.

Tuy nhiên, sau khi cầm được hơn 2 tỷ đồng và hồ sơ xin việc của các bị hại xong thì Phương đã tiêu xài cá nhân rồi bỏ trốn.

Đợi lâu ngày không thấy thông tin gì, các bị hại đã gọi điện liên lạc cho Phương nhiều lần nhưng không được đã đến cơ quan Công an trình báo.

Ngày 18/2/2014, Phương bị bắt khi đang ngồi “rung chân” tại một căn hộ sang trọng tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Tại tòa, Phương thừa nhận hành vi theo đúng bản cáo trạng truy tố và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì đang là lao động chính trong gia đình.

HĐXX khẳng định, bị cáo Nguyễn Minh Phương đã  từng thụ án về tội Lừa đảo tài sản nên lần phạm tội này là tái phạm nguy hiểm. Hành vi của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước nên cần có một bản án xứng đáng để thể hiện tính nghiêm minh.

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX đã quyết định xủa phạt bị cáo Nguyễn Minh Phương 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo phải chấp hành là 16 năm tù giam.

Đọc thêm