2 bạt tai, tổn thương… 21% sức khỏe?

(PLO) -Người mẹ cho rằng con mình bị oan vì chỉ tát đối phương 2 bạt tai nhưng giám định thương tích lên đến 21%.  
Bà Nguyệt (bên phải) và bà Sớm cho rằng các con mình bị oan.
Bà Nguyệt (bên phải) và bà Sớm cho rằng các con mình bị oan.

Ẩu đả trong cuộc sinh nhật 

Bà Trần Thị Nguyệt (SN 1958, ngụ ấp 1, xã Phước Bình) và bà Trần Thị Sớm (SN 1957, ngụ ấp 1B, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vừa đồng thời có đơn kêu cứu tới báo XLPL. Hai người phụ nữ này cho rằng con mình là Nguyễn Trần Hoàng Ân (SN 1989) và Lê Văn Sang (SN 1989) bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam oan.

Theo cơ quan điều tra công an huyện Long Thành, Ân và Sang ra tay đánh anh Nguyễn Tài Nhân (SN 1987, ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp) vào ngày 8/11/2015 gây thương tích 21%. Ngày 31/5/2016, công an huyện Long Thành bắt tạm giam đối với cả hai để điều tra sự việc.

Diễn biến sự việc được mẹ anh Ân tường trình như sau: “Vào ngày 8/11/2015, một người gần nhà có tiệc mừng sinh nhật con tròn 1 tuổi có mời Ân, Sang đến tham dự. Tại một quán nhậu ở ấp 6, xã Tân Hiệp, trong số những người tham dự có Nhân.

Trong lúc nhậu, Nhân có gây gổ với một thanh niên khác. Nhân dùng chân đạp và bị người này phản ứng làm ngã xuống đường”. Chủ buổi tiệc kể: “Sự việc nhanh chóng được chúng tôi can ngăn. Người bị Nhân đạp ra về, còn Nhân tiếp tục ngồi lại nhậu với chúng tôi”. 

Mẹ anh Ân kể tiếp: “Trước đây Nhân và Ân từng có mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Chính Nhân là người dùng dao chém con tôi bị thương. Nhân cầm ly bia đến mời Ân và nói: “Chuyện em đánh anh ngày trước có gì bỏ qua. Bây giờ em đứng đây cho anh muốn làm gì thì làm””.

Bà Nguyệt cho rằng con mình chỉ tát vào mặt Nhân hai cái, còn Sang thì kẹp cổ. “Nhân không bị sao cả, tự mình đi được vẫn mạnh khỏe, nhưng lại đến bệnh viện Long Thành cấp cứu rồi xuất viện ngay hôm sau.Tiếp theo Nhân lại tiếp tục xin nhập viện ở bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai”.

Chủ buổi tiệc xác nhận băn khoăn này của mẹ anh Ân, cho biết 3 ngày sau lên thăm, thấy anh Nhân đã khỏe mạnh và nói chuyện rất nhiều.

“Thương tích của Nhân chỉ là sưng bầm, có dấu hiệu sái quai hàm nhưng lại cứ đi rêu rao là gãy xương quai hàm. Mãi đến 4 tháng sau, công an mới đưa Nhân đi giám định thương tích, vậy có chính xác hay không và thương tích 21% có phải do con tôi đánh gây ra hay không.

Trong thời gian 4 tháng đó Nhân có bị thương vì lý do khác thì sao? Tát 2 cái, kẹp cổ 1 cái mà thương tích tới 21% là không thể chấp nhận được”, mẹ anh Ân băn khoăn.

Chứng nhận thương tích của anh Nhân
Chứng nhận thương tích của anh Nhân


  Trong thời gian điều tra, công an huyện Long Thành nhiều lần mời anh Ân lên làm việc, lấy lời khai. Đến ngày 31/5/2016, Ân và Sang được mời lên công an xã và bị đưa về huyện tạm giam.

Mẹ anh Ân cho biết thêm: “Từ ngày xảy ra vụ án đến nay, tôi chưa hề nhận được bất cứ giấy tờ nào cả. Ngay cả quyết định bắt người, tạm giam, gia đình tôi cũng không hề được cung cấp”.

Cả bà Nguyệt và bà Sớm đều cho rằng con mình bị oan và đề nghị công an huyện Long Thành đưa “nạn nhân” Nhân đi giám định lại nhưng không được chấp nhận. 

Liên quan đến vụ ẩu đả, anh Nguyễn Chí Thành (SN 1986, ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp, người chứng kiến sự việc), kể: “Khi hai bên đánh nhau tôi không thấy. Mái đến lúc thấy Nhân bị vây, tôi mới phát hiện và can ngăn. Lúc này Nhân nằm dưới đất, sau đó tự đứng dậy đi ra ngoài đường và được ai đó chở đi lên bệnh viện”.

Một nhân chứng khác cũng cùng ý kiến: “Nghe bảo gãy quai hàm mà sau ba ngày bị đánh, tôi điện thoại hỏi thăm, Nhân đã có thể nói chuyện được. Tôi cũng có ít chuyên môn về ngành y nên biết rõ gãy quai hàm thì việc há miệng là không thể, chứ nói gì đến nói chuyện. Hơn nữa, 10 ngày sau, anh Nhân còn chở một người thân của tôi đi khám bệnh ở Sài Gòn. Vì vậy có thể thấy thương tích của Nhân là không nghiêm trọng”.

Từ những chứng cứ trên, mẹ anh Ân nghi ngờ: “Dù trước đây con tôi có đi tù vì tội cố ý gây thương tích nhưng 4 năm qua nó về nhà rất ngoan hiền, chí thú làm ăn. Một mình nó làm công nhân nuôi tôi và đứa cháu mới học lớp 8. Tôi nghi ngờ cơ quan chức năng đã thiên vị với bên kia nhằm khép tội cho con tôi”.

“Nạn nhân” khai gì?

XLPL cũng đã tiếp xúc với phía nạn nhân, được anh Nhân kể: “Trước đây khoảng 7 năm, Ân và một số người “côn đồ cộm cán” đã 3 lần đánh tôi. Một lần bị đánh, tôi chống trả và làm Ân bị thương.

Ân nhờ nhóm côn đồ tìm đến nhà tôi đập phá xe, cửa kính, ném chai bia trúng đầu bố tôi làm bị thương. Như vậy chưa đủ, nhóm côn đồ còn yêu cầu mẹ tôi phải đưa 10 triệu đồng mới bỏ qua. Những lần nhóm côn đồ vào nhà tôi quậy phá, công an xã đều có đến lập biên bản nhưng không thấy xử lý”.

Đơn cầu cứu tới Báo XLPL
Đơn cầu cứu tới Báo XLPL

“Hôm sinh nhật, tôi được mời đến tham dự vì có làm ăn chung với gia đình chủ bữa tiệc. Trong bữa sinh nhật, đúng là tôi có đánh nhau với một người khác. Sau đó 30 phút, vì biết Ân ôm lòng thù hận với mình, tôi có đến mời Ân ly bia và nói:

“Trước đây, em có làm gì sai thì cho em xin lỗi. Ân oán anh bỏ qua cho em”. Tôi không hề bảo đứng im cho Ân đánh. Ân đồng ý lời xin lỗi và uống cạn ly bia”, anh Nhân kể.

Chỉ ít phút sau, chủ bữa tiệc kêu anh Nhân ra ngoài nói chuyện. Khi chủ bữa tiệc khoác vai anh Nhân đi được mấy bước thì từ đằng sau, anh Nhân cho rằng có rất đông người trong đó có Ân và Sang đánh mình. “Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì bị Sang kẹp cổ và rất nhiều người xông vào đánh.

Tôi vùng bỏ chạy được 5m thì bị chặn đầu và tiếp tục bị đánh cho đến lúc gục ngay tại chỗ. Chủ bữa tiệc còn kêu lên: “Tụi bay đừng đánh nữa, đánh quá nó chết đấy” nhưng Ân lại nói: “Cứ đánh cho chết”. Còn có một người can ngăn nhưng không được nên nằm đè lên người tôi che chắn giúp tôi”, lời anh Nhân.

Theo lời kể của anh Nhân, sau đó anh tự đi ra đường và được một người quen ở trong ấp (không nhớ là ai) chở đến bệnh viện cấp cứu. Anh Nhân cho rằng tiếp tục được chuyển đến bệnh viện đa khoa Đồng Nai chứ không phải tự xin nhập viện như người nhà Ân nói. Anh Nhân cho rằng không biết mình bị đánh bằng tay hay vật gì và không biết có bao nhiêu người tham gia.

Theo thông tin anh Nhân cung cấp, chẩn đoán ban đầu của bệnh viện cho thấy anh bị vỡ xương quai hàm dưới (cụ thể là gãy cổ lồi cầu). Tuy nhiên, đến ngày 9/12/2015, dựa vào kết quả chụp 3D, anh Nhân được kết luận là chấn thương ổ khớp thái dương hàm, điều trị bằng cách cột cố định 2 hàm.

Anh Nhân được điều trị 1 tuần thì được cho về nhà. Anh Nhân nói: “Hiện nay phần thái dương của tôi vẫn còn đau nhức. Những ngày đầu, tôi không thể há miệng, không nói được, ăn uống rất khó khăn”.

Anh Nhân cho rằng: “Gia đình Ân khiếu nại tới cơ quan chức năng cũng đúng. Vì có rất nhiều người tham gia đánh tôi chứ không phải chỉ Ân và Sang. Nhưng tôi khẳng định là tôi bị đánh rất nhiều chứ không phải là tát 2 tai và kẹp cổ như mẹ Ân phản ánh.

Tôi nhiều lần kiến nghị thì cơ quan công an mới chịu viết giấy giới thiệu để tôi đi giám định thương tích. Hiện gia đình tôi cũng không nhận được kết luận thương tích, mới chỉ nghe công an bảo là 21%”. 

Với giấy chứng nhận thương tích “chấn thương ổ khớp thái dương hàm” của bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tra cứu thông tư liên tịch 28/2013 của Bộ Y Tế ngày 27/9/2013, anh Nhân cho rằng tổn thương này có tỷ lệ từ 21% đến 40%.

Sau khi xảy ra sự việc, gia đình Ân và Sang đi vay mượn đưa trước cho anh Nhân 37 triệu đồng tiền thuốc men. Theo lời bà Nguyệt thì số tiền này được bà “vay nóng” vì gia đình gặp khó khăn. Bản thân bà bị bệnh tim không có việc làm.

Bà vẫn tiếp tục cho rằng con mình bị oan, không chấp nhận thương tích của anh Nhân là do con mình gây ra. Từ quan điểm này, người mẹ “dọa” nếu cơ quan chức năng vẫn cương quyết xử lý con trai mình và không lắng nghe những kiến nghị của bà thì bà sẽ… tưới xăng tự tử./.

Đọc thêm