Cấp phiếu nhận diện ưu tiên cho hơn 16.000 đầu xe
Đại diện Tổ công tác của Bộ Công Thương đánh giá, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh về TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn do việc quy định thực hiện giữa các địa phương chưa thống nhất. Tuy nhiên, sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Văn bản 5017/TCDBVN-VT ngày 19/7/2021, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, sau khi có kiến nghị từ Bộ Công Thương và Bộ GTVT, Bộ Y tế đã có Văn bản 5753/BYT-MT hướng dẫn xét nghiệm người vận chuyển hàng hóa trên cả nước. Bộ Y tế cho phép xe chở hàng nội tỉnh, xe đi lại giữa 19 tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm Covid-19 với tài xế và người đi theo xe. Trường hợp xe đi từ vùng cách ly sang vùng khác, hoặc từ tỉnh có dịch sang địa phương liền kề áp dụng chống dịch với yêu cầu thấp hơn mới cần giấy xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng cho phép các địa phương bố trí điểm xét nghiệm tại các trạm dừng nghỉ cung cấp cho tài xế khi cần. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương áp dụng thống nhất quy trình kiểm soát các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Hiện, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 nên không cần đăng ký, không cần dán Thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe. Thay vào đó các xe chỉ cần dán logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm.
Tổ công tác của Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cung cấp mẫu logo nhận diện để gửi các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) thực hiện theo quy định; đồng thời cung cấp đầu mối liên lạc của Sở GTVT để các DN có thể liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh.
Hiện tại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của ngành Giao thông, chuyển Sở GTVT cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid -19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối DN (cùng các DN trong chuỗi cung ứng) với 16.076 đầu xe, trong đó: Vận chuyển hàng thiết yếu là 519 DN và 16.066 xe vận tải các loại; vận chuyển xăng dầu gồm 10 DN và 91 xe bồn (xe xitec). Hai bên cũng thống nhất đảm bảo cho các DN lưu thông xuyên suốt trên địa bàn thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Sử dụng xe buýt, taxi làm phương tiện cung ứng hàng hóa
Ông Nguyễn Tấn Thanh, đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện tình hình lưu thông hàng hóa của Saigon Co.op về cơ bản đã ổn thỏa “gỡ được đến 90% vấn đề vận chuyển thông suốt hàng hóa”. Hiện lượng nguồn hàng cung ứng từ các tỉnh về hệ thống kho của Saigon Co.op và vận chuyển hàng hóa từ các kho đi hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đặt tại các tỉnh đã không còn gặp khó khăn gì.
Đại diện Central Retail cũng thông tin, hiện nay, các nhà cung cấp cho hệ thống siêu thị GO!, Big C không có phản hồi việc họ gặp khó khăn khi đi qua các trạm kiểm soát. Các kho nhận hàng của Big C cũng không ghi nhận việc nhà cung cấp giao hàng trễ do bị ách tắc lưu thông khi vận chuyển hàng từ các tỉnh lên. Các nhà cung cấp cũng đã làm được giấy xét nghiệm nhanh nên việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều.
Về vấn đề cung ứng kịp thời thực phẩm, nông sản hàng ngày cho người dân TP Hồ Chí Minh, đại diện Tổ công tác của Bộ Công Thương cho biết, trong cuộc họp ngày 22/7, Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã thống nhất một số biện pháp. Cụ thể, nhằm cung ứng hàng hóa nhanh nhất cho người dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các khu vực phong tỏa, 2 Bộ đã cùng thống nhất sử dụng xe buýt làm siêu thị mini, dùng xe tải nhỏ để chở hàng vào các khu phong tỏa, sử dụng hệ thống taxi Mai Linh làm shiper cho các đơn hàng online…
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa tại các hệ thống phân phối lớn như chi phí phát sinh tăng do DN phải chịu thêm các chi phí trong tình hình dịch bệnh (chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly cho nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng…), đồng thời các nhà cung cấp cũng tăng giá bán; một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị; thiếu nhân công bán hàng tại các siêu thị do các lao động mắc Covid-19… đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ trong những ngày tiếp theo.