Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), khoảng 8h ngày 18/12 có 4 trẻ thường trú tại xóm Bản Oóng, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng rủ nhau ra sau nhà chơi đào đất. 4 cháu bao gồm M.V.L, sinh năm 2018; M.T.X, sinh năm 2019; M.T.S em của M.V.L; M.T.M là chị của M.T.X.
Sau đó có 2 cháu là M.V.L và M.T.X hái lá về ăn nhưng không rõ loại lá gì. Sau ăn khoảng 1 giờ các cháu quay về nhà em M.T.X chơi đến khoảng 10h40 cùng ngày thì cháu M.V.L bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời.
Đến 12h cùng ngày, cháu M.T.X nằm ngủ lì được mẹ bế lên nhà cháu M.V.L và tử vong lúc 13h cùng ngày. Còn hai cháu M.T.S và M.T.M không ăn loại lá đó, hiện tại sức khỏe cả 2 đều bình thường.
Ngày 22/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc đã đến kiểm tra, giám sát tại gia đình, xung quanh nhà và địa điểm các trẻ ra chơi.
Qua kiểm tra, giám sát đoàn kiểm tra đánh giá việc ăn, uống và sinh hoạt tại gia đình đều bình thường, tương đối sạch sẽ, không có tình trạng xả rác mất vệ sinh.
Tại điểm các trẻ chơi xung quanh có nhiều cây là ngón, trong khoảng đất có 1 hố nhỏ. Người nhà cho biết đó là cái hố mà các cháu đã đào chơi hôm xảy ra sự việc, phía trên miệng hố có 1 cành lá ngón đã khô lá.
Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã vận động gia đình đào và tiêu hủy ngay các gốc cây lá ngón có sẵn trong khu vực sau nhà, nơi mà trẻ thường xuyên chơi. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ xóm, các tổ chức đoàn thể phối hợp với trạm y tế xã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống ngộ độc lá ngón và các yếu tố có độc tố tự nhiên khác như: nấm dại, cây, củ, quả dại... để người dân biết cách phòng tránh cho bản thân cũng như gia đình.
Trước đó vào đầu tháng 12, tại Lạng Sơn cũng xảy ra một vụ ngộ độc lá ngón khiến một nữ sinh lớp 8 tử vong. Tương tự tại Nghệ An, 7 người đã phải nhập viện cấp cứu do uống nước từ thân cây lá ngón. Rất may không có trường hợp nào bị tử vong.