Hai nữ sinh ăn nhầm lá ngón, 1 em tử vong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ăn nhầm lá ngón, hai học sinh được đưa đi cấp cứu nhưng một em đã không qua khỏi.
Hình ảnh lá ngón. Ảnh: Internet
Hình ảnh lá ngón. Ảnh: Internet

Chiều 9/12, trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cho biết, nhà trường vừa tổ chức thăm hỏi, chia buồn đến gia đình gia đình nữ sinh lớp 8 tử vong do ăn nhầm lá ngón.

Trước đó, vào sáng 7/12, em D. (lớp 8A) và em Đ. (lớp 8B) vẫn học bình thường. Sau bữa cơm trưa, đến thời gian tự quản chiều, hai nữ sinh này tự lên khu đồi ở đằng sau trường chơi, vặt lá ăn.

"Khoảng 15h, hai em được phát hiện ăn nhầm lá ngón và vẫn tỉnh táo, nhà trường đưa hai nữ sinh đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp. Sau đó, tình trạng của em D. nặng lên, sắc mặt tái nhợt dần. Đến khoảng 20h, dù đã được các y, bác sĩ nỗ lực cấp cứu, em đã không qua khỏi", ông Trần Văn Chiến thông tin thêm.

Đối với trường hợp em Đ., giáo viên chủ nhiệm lớp 8B cho biết, sau khi ăn lá ngón, em không có biểu hiện ngộ độc. Khi được phát hiện ăn nhầm lá ngón, nữ sinh này không muốn đi viện nhưng nhà trường vẫn thuyết phục em nên đi khám, cấp cứu.

Hiện sức khỏe của Đ. bình thường, sắp được xuất viện.

Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Chỉ ăn 3 lá ngón sẽ tử vong ngay lập tức.

Cách nhận biết lá ngón

Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo thân quấn thường xanh dài tới 12m, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc.

Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm.

Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10.

Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài một cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.

Sơ cứu ngộ độc lá ngón

Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.

Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc. Tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1h.Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.

Bác sĩ cũng lưu ý việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón là do tự tử hoặc bị đầu độc. Cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát. Không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.

Đọc thêm