2 trẻ ở miền Tây bị rắn và bọ cạp cắn nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một bé gái ở Cần Thơ bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc đi bộ qua bãi cỏ; bé trai 13 tuổi bị bọ cạp cắn khi bắt ốc ở ven sông.
Hình ảnh con rắn lục đuôi đỏ và vết cắn của nạn nhân.
Hình ảnh con rắn lục đuôi đỏ và vết cắn của nạn nhân.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa tiếp nhận một bé gái 4 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc đi bộ qua bãi cỏ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sưng phù, bầm da và chảy máu tại vết cắn ở vùng cổ chân trái. Tại bệnh viện, các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị cho bệnh nhi.

Hiện tại, sau khi truyền 6 lọ huyết thanh kháng nọc rắn, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, vết cắn giảm sưng, không còn chảy máu, các xét nghiệm rối loạn đông máu có chiều hướng cải thiện tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BS.CKI. Huỳnh Trung Hiếu – Bác sĩ chuyên Khoa Nhi cho biết, tiên lượng rắn độc cắn tùy thuộc theo loại rắn độc, lượng độc chất vào cơ thể, vị trí cắn và cách sơ cứu tại chỗ. Cân nặng của trẻ thấp hơn người lớn, vì thế trẻ em bị rắn độc cắn thường nặng hơn.

Qua trường hợp này, bác sĩ Hiếu cũng khuyến cáo các bước cấp cứu ban đầu khi bị rắn cắn nhằm làm chậm quá trình hấp thu nọc rắn vào cơ thể: Đầu tiên cần trấn an tinh thần nạn nhân sau đó để nạn nhân nằm bất động. Đặt khu vực bị cắn thấp hơn tim để làm chậm quá trình hấp thu độc tố. Sau đó rửa sạch vết thương và dùng vải buộc chặt vị trí bị cắn. Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Không nên áp dụng các biện pháp như rạch da, hút nọc độc bằng miệng hoặc giác hút, đặt garrot không vì không có hiệu quả hoặc có thể gây nhiễm trùng, tăng hấp thụ nọc độc vào cơ thể.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cũng tiếp nhận bé trai 13 tuổi vào viện trong tình trạng sốc phản vệ do bọ cạp cắn khi đang bắt ốc ở ven sông.

Vết thương ở chân của bệnh nhi bị bọ cạp cắn.

Vết thương ở chân của bệnh nhi bị bọ cạp cắn.

Trẻ được nhập viện trong tình trạng lừ đừ, suy hô hấp, tụt huyết áp, nổi mẩn đỏ rải rác vùng ngực với vết bọ cạp cắn ở mắt cá chân trái bầm kèm rỉ máu tại chỗ bị cắn, sưng nề 1/3 dưới cẳng chân trái.

Nhận định đây là tình trạng sốc phản vệ nặng, các bác sĩ đã khẩn trương chống sốc, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi. Sau hồi sức 30 phút, trẻ bắt đầu tỉnh táo, huyết áp ổn, giảm khó thở. Bên cạnh điều trị sốc phản vệ trẻ được điều trị kết hợp truyền kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, kháng Histamin, tiêm kháng độc tố uốn ván...

Qua 12 giờ điều trị sinh hiệu của bệnh nhi ổn định, được chuyển khoa để tiếp tục điều trị tình trạng viêm nhiễm, sưng nề do vết bọ cạp cắn. Đây là trường hợp ít gặp khi trẻ bị sốc phản vệ do bò cạp cắn ở vùng Đồng bằng Sông cửu Long.

Theo y văn ghi chép, phần lớn trường hợp bị bọ cạp cắn là do tai nạn. Bọ cạp vốn là loài khá nhút nhát, thường tránh xa con người. Những trường hợp bị đốt là khi chúng bị đe dọa, dồn vào góc hoặc vô tình bị giẫm lên. Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao ít khi có triệu chứng nặng dẫn đến tử vong. Vết chích của bọ cạp Việt Nam thường chỉ gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Ở trẻ em các triệu chứng tương tự như người lớn nhưng thường nặng nề và kéo dài hơn.

Qua trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo khi bị bọ cạp hay các loài côn trùng có nọc độc khác cắn cần thực hiện sát trùng và lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử trí kịp thời, tránh gây ra các biến chứng khó lường.

Đọc thêm