20 năm ngày thành lập Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp: Đôi dòng hoài niệm…

(PLVN) -Tôi còn nhớ vào một ngày mùa thu đẹp trời năm 1981, Bộ trưởng Phan Hiền gọi tôi, anh Nguyễn Huy Ngát và một vài người nữa đến để thảo luận về việc thành lập Phòng Pháp luật Quốc tế và Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ trưởng nhằm tham mưu cho Bộ xử lý các vấn đề Pháp luật và Tư pháp quốc tế trong điều kiện mới của Việt Nam.
Vụ trưởng Bạch Quốc An (đứng giữa hàng đầu) chụp ảnh cùng tập thể công chức Vụ Pháp luật quốc tế.
Vụ trưởng Bạch Quốc An (đứng giữa hàng đầu) chụp ảnh cùng tập thể công chức Vụ Pháp luật quốc tế.

Sau đó ít lâu, Phòng Pháp luật Quốc tế và Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ trưởng được thành lập theo Quyết định số 261/QĐ-TC ngày 20/11/1981 của Bộ trưởng Phan Hiền. Tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng và chịu trách nhiệm đối với các vấn đề được Bộ trưởng giao cho Phòng.

Vài năm sau, vào một ngày cuối thu năm 1986, Bộ trưởng Phan Hiền gọi tôi, bác Phạm Đình Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế, anh Nguyễn Huy Ngát,Thư ký Bộ trưởng cùng một số cán bộ khác đến thảo luận về việc Bộ Tư pháp cần thành lập một đơn vị mới về Pháp luật phục vụ kinh tế quốc tế góp phần thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Tôi được giao soạn thảo Đề án về việc nảy. Ngày 25/4/1987, Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 117/QĐ-TC ngày 25/4/1987 của Bộ trưởng.Tôi được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng và bác Phạm Đình Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế được giao phụ trách kiêm nhiệm Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế cho đến khi có Vụ trưởng.

Ngày 04/6/1993, Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp được đặt tên lại là Vụ Hợp tác quốc tế theo Nghị định số 38-CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ. Khối lượng công việc của Vụ đến giai đoạn này đã khá nhiều, ngoài những việc vẫn thường làm từ trước như tổ chức các đoàn ra, vào, thiết kế các chương trình hợp tác với nước ngoài về pháp luật, đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp, thực hiện các ủy thác tư pháp quốc tế… thì đã xuất hiện một số công việc mới.
Trước tiên, đó là xử lý các vấn đề pháp luật quốc tế về vay nợ công nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, đàm phán và thẩm định các hiệp định về đầu tư, thương mại… Tiếp theo, đó là các vấn đề pháp lý kinh tế quốc tế trong quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế…Với khối lượng công việc như vậy, và với lực lượng cán bộ lúc đó của Vụ Hợp tác quốc tế không thể đáp ứng yêu cầu do thực tiễn đặt ra.

Vụ trưởng Bạch Quốc An (đứng giữa hàng đầu) chụp ảnh cùng tập thể công chức Vụ Pháp luật quốc tế.

Vụ trưởng Bạch Quốc An (đứng giữa hàng đầu) chụp ảnh cùng tập thể công chức Vụ Pháp luật quốc tế.

Đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1996, quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bắt đầu đi vào thực chất từ năm 1998, quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều vấn đề Pháp luật hội nhập quốc tế phát sinh đã đặt ra yêu cầu cần sớm có một lực lượng chuyên trách, một Vụ chuyên về Pháp luật quốc tế để nghiên cứu, giải quyết.

Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000, tôi được Bộ trưởng Uông Chu Lưu giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp để xây dựng Đề án thành lập Vụ Pháp luật quốc tế trình Bộ trưởng xem xét, quyết định. Ngày 06/6/2003, Chính phủ ra Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó có quy định Vụ Pháp luật Quốc tế thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Căn cứ vào Nghị định số 62/2003/NĐ-CP đó và Đề án cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế nêu trên, ngày 05/8/2003, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu đã ban hành Quyết định số 335/2003/QĐ-BTP về việc thành lập Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp.

Quyết định số 335/2003/QĐ-BTP này định rõ Vụ Pháp luật quốc tế có chức năng cơ bản là giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng và tham gia xây dựng Pháp luật liên quan đến Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế và Pháp luật Thương mại quốc tế theo quy định của Pháp luật. Quyết định số 335/2003/QĐ-BTP này còn định rõ Vụ Pháp luật Quốc tế có 12 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn đủ để thực hiện các chức năng cơ bản của mình vào thời kỳ đó.
Về sau này, còn có các văn bản đơn hành tiếp tục giao Vụ Pháp luật quốc tế có nhiệm vụ, quyền hạn trong một số công việc Pháp luật quốc tế khác. Cho đến khi về hưu theo chế độ, tôi vui mừng vì bản thân mình và các cán bộ, công chức Vụ Pháp luật quốc tế đã hoàn thành có kết quả tốt các công việc được giao, góp phần đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tôi cứ nghĩ câu chuyện thành lập Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp mới diễn ra vài ngày hôm qua vì nó còn quá rõ trong đầu tôi. Ấy vậy mà đã tròn 20 năm rồi. Đó là chưa tính đến 22 năm trăn trở trước đó kể từ ngày thành lập Phòng Pháp luật Quốc tế và Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ trưởng năm 1981.

Xin chúc mừng các anh chị cán bộ, công chức Vụ Pháp luật quốc tế nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Vụ Pháp luật quốc tế. Xin cảm ơn và chúc sức khỏe tất cả mọi người đã ủng hộ, đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua. Chúc Vụ ta tiếp tục thành công rực rỡ trong thời gian tới!

Đọc thêm