2017 - năm của những “món quà” vô giá

(PLO) - “Cuộc sống là một vòng quay bất tận, có những cuộc đời tưởng như kết thúc lại là điểm khởi đầu cho một hy vọng lớn. Để có một cơ thể khỏe mạnh, vượt qua được bệnh tật và xa hơn nữa là một gia đình hạnh phúc thì đã có một sự hy sinh thầm lặng của một người chưa hề quen biết. Những con người ấy đều mang chung một tâm niệm được làm điều tốt đẹp cho cuộc sống ngay cả khi họ không còn nữa…”. 
Các bác sỹ mặc niệm, cúi đầu bày tỏ trân trọng trước tấm lòng của người hiến tạng. (Ảnh bác sỹ cung cấp)
Các bác sỹ mặc niệm, cúi đầu bày tỏ trân trọng trước tấm lòng của người hiến tạng. (Ảnh bác sỹ cung cấp)

Những thông điệp đó được gửi đi như một niềm vinh danh, nêu cao tinh thần, sự hy sinh tự nguyện của những người hiến tạng để lại cho cuộc đời.

Cho đi không phải để mong được đền đáp

Trở về với vùng quê làng cổ trong những ngày Hà Nội lạnh buốt giá, đã hơn 2 tháng trôi qua, kể từ ngày anh Nguyễn Xuân Trường (57 tuổi, xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) qua đời, đến nay gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng xót thương trước sự ra đi nhanh chóng của anh. Bên cạnh nỗi đau lại là niềm tự hào khi gia đình có một người chồng, người cha tuyệt vời đem đến cho đời sự sống, niềm tin và hy vọng ngay cả khi không còn trên cõi đời. 

Theo lời chị Nguyễn Thị Phòng, vợ của anh Trường, chồng chị vốn là một người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống mưu sinh vất vả, cơ hội tìm kiếm, tiếp cận với các thông tin còn hạn chế song qua một lần nghe đài, được biết về việc hiện nguồn mô tạng nước ta quá khan hiếm trong khi đó nhu cầu cần được ghép lại quá nhiều nên anh Trường đã nung nấu ý địnhvà quyết định đăng ký hiến mô tạng khi qua đời. Sau khi đăng ký hiến tạng anh lại có suy nghĩ rằng khi mình đã chết, thân xác cũng không còn theo tháng năm, do vậy có lẽ việc hiến mình cho y học để giúp ngành Y thực hiện mục tiêu nghiên cứu khoa học sẽ có ý nghĩa, do vậy anh Trường lại tìm tới Học viện Quân y để đăng ký làm thủ tục hiến xác sau khi qua đời. Với một người nông dân quanh năm quanh quẩn với mảnh ruộng, việc làm của anh đã khiến nhiều người trong thôn, xóm bất ngờ và hoài nghi.

Nói về sự ra đi và quyết định táo bạo của con trai mình, bà Nguyễn Thị Tỵ - 82 tuổi (mẹ nuôi của anh Trường) cho biết, do chưa hiểu nên một số người trong thôn xóm còn hoài nghi về hành động của anh Trường song bà và các thành viên khác trong gia đình không cảm thấy buồn bởi tôi tự biết việc làm của người thân mình, tự biết tấm lòng của gia đình mình là làm việc tốt, việc thiện. Do vậy dù còn sự đau xót, tiếc nuối trước sự ra đi đột ngột của người con, người chồng, người cha nhưng trong ánh mắt, trong tâm thế của những con người ấy đều ánh lên niềm tự hào. 

Cuộc nói chuyện giữa tôi và bà có những phút ngắt quãng bởi nhiều lần người mẹ nghẹn ngào nhớ về con trai đã mất. Nhưng trong giọng nói chậm buồn, ánh mắt lặng lẽ của bà vẫn ánh lên niềm tự hào về con mình, người đã hiến đa tạng để hồi sinh sự sống cho nhiều người khác. Với bà và các thành viên trong gia đình bà cho đi không phải để mong được đền đáp mà chỉ đơn giản: “Để nối dài sự sống cho đứa con trai mà tôi hết lòng yêu thương, để còn được thấy con mình mỗi ngày vẫn còn hiện hữu đâu đó trong cõi đời này”.

Với họ đó là niềm an ủi lớn nhất và chỉ vậy thôi là đủ để rồi đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn có biết bao tấm lòng, biết bao sự sẻ chia những món quà vô giá mà những người đã khuất dành tặng lại cho những người mắc bạo bệnh đang cần nguồn tạng để thay thế. 

PGS. TS Trần Ngọc Anh - Trưởng bộ môn giải phẫu, Học viện Quân y cho biết: “Việc làm dù bé nhỏ nhưng vô cùng nhân văn của anh Trường đã giúp đỡ cho ít nhất hai người lấy lại được ánh sáng cuộc đời và xác của anh đã giúp cho chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu khoa học có thêm nguồn tư liệu quý giá để tiếp tục cập nhật những kiến thức y học mênh mông còn chưa được khám phá. Với nhiều người trong gia đình, thôn xóm, khái niệm hiến tạng, hiến xác đôi khi là điều gì đó khá mơ hồ, song lạ một điều là mọi người đều ủng hộ suy nghĩ và việc làm của anh, có lẽ bởi họ tin vào sự lựa chọn của anh, của người con, người chồng, người cha mà họ tôn kính và yêu thương. Do vậy những người làm trong ngành Y như chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều người có suy nghĩ tích cực và nhân văn như anh Trường để khắc phục được phần nào sự khan hiếm của nguồn mô, tạng nước ta, giúp cứu sống được nhiều người hơn nữa”.

Những sáng tạo vô song để cứu người bệnh

Trải qua chặng đường 25 năm, đến nay kỹ thuật cấy ghép tạng của Việt Nam có thể sánh ngang với các nền y học lớn trên thế giới. Tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam tương đương với thế giới, thậm chí về ghép thận, tỷ lệ kéo dài cuộc sống sau ghép còn cao hơn, nhiều kỹ thuật đã trở nên thường quy tại nhiều bệnh viện. Con số này chứng tỏ ngành ghép tạng so với thế giới không thua kém gì, dù ghép tạng là một ngành rất phức tạp và dành cho các nước phát triển. Ghép tạng có thể coi là mối lương duyên tiền định giữa người cho chết não và người nhận, bởi vậy, bất kỳ ca lấy và ghép tạng nào cũng chứa đầy cảm xúc, không ca nào giống với ca nào. Để đạt được thành tựu quan trọng đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng chia sẻ, các bác sĩ đã và đang phải trải qua những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng chính trong những tình huống khó đó, lại cho thấy sự linh hoạt của đội ngũ các bác sĩ Việt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức nhớ lại: “Khi ca ghép tim đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức thành công rồi ghép tim trở thành phẫu thuật thường quy của Bệnh viện Việt Đức, rồi ghép tim “xuyên Việt”, rất nhiều bạn bè trên thế giới, nhất là những người đã học cùng tôi cách đây hơn 20 năm ở Pháp, đã liên lạc để chúc mừng. Có những người bạn đã rơi lệ vì chúng tôi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng từ thời còn du học, vì Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu hiếm có trên thế giới”. 

Trên thế giới, tình trạng tim ghép tốt nhất là 4 tiếng sau lấy tạng (tối đa là 10 tiếng), gan là 6 tiếng và thận là 8 tiếng; để đi lấy tạng ngoài bệnh viện, người ta có máy bay chuyên dụng và hầu hết chỉ đi trong vòng bán kính tối đa 500km nhằm mục đích ghép tạng sớm ngay sau khi lấy. Chúng ta đi bằng máy bay dân dụng, từ nơi lấy tạng ra sân bay thì tắc đường, từ sân bay về bệnh viện ghép tạng thì đường xa, chuyến bay bị hoãn phải chờ đợi… trong khi không có thùng chứa tạng chuyên dụng để bảo quản tạng một cách chuẩn nhất. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, các bác sĩ Việt Nam đã sáng tạo ra thiết bị “hồi sức” bên ngoài thùng tạng để vừa ngồi trên máy bay vừa bơm dung dịch tiếp sức, bảo vệ cho tạng. Bạn bè thế giới rất khâm phục và khó tưởng tượng được là tại sao với điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, điều kiện vật chất khó khăn, đời sống của y bác sĩ còn thấp… mà chúng ta không chỉ ghép tạng thành công mà còn duy trì tỷ lệ sống một năm sau ghép đạt 90%, cao ngang với các nước có nền y học tiên tiến. 

Đặc biệt, có những ca ghép được đánh giá là kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ví dụ như ca ghép tim lần thứ 9. Người được chỉ định ghép là một cô gái 27 tuổi ở Yên Bái có quả tim lạc chỗ nằm bên phải và mang nhiều dị tật rất phức tạp, nên phải tới 3 tháng sau ca ghép vô cùng khó khăn về kỹ thuật, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y, bác sĩ, gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới trong cơ thể 26 năm cầm cự chiến đấu với trái tim bệnh tật giúp cô phục hồi lại sức khỏe và sống thêm được gần 2 năm, trong khi tiên lượng sống trước khi ghép của cô chỉ tính bằng ngày.

“Hiến tạng là nghĩa cử vô cùng nhân văn, cao cả. Một cuộc đời người mất đi vì tai nạn, chết não thì vẫn có thể cứu được bao nhiêu người. Thận, tim, gan, giác mạc… có thể giúp cho những người khác có cơ hội sống, cơ hội nhìn thấy cuộc đời. Chúng tôi luôn nhớ những ân nhân – bệnh nhân của những ca ghép đặc biệt đó” - GS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ... 

Đọc thêm