208 quầy sạp của chợ Hòa Phát, chỉ thu hút… hơn 10 hộ kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, chợ Hòa Phát (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) kỳ vọng là nơi mua bán, giao thương cho hơn 15.000 hộ dân phía Tây TP. Thế nhưng sau khi hoàn thành, chợ rơi vào cảnh vắng vẻ, nhiều tiểu thương rời bỏ, hoặc quay về nơi cũ để buôn bán tạm bợ, lấn chiếm vỉa hè.
Chợ Hòa Phát được xây dựng năm 2016 trên diện tích 4.000m2 với mức đầu tư 10 tỷ đồng. (Ảnh trong bài: Vũ Vân Anh)
Chợ Hòa Phát được xây dựng năm 2016 trên diện tích 4.000m2 với mức đầu tư 10 tỷ đồng. (Ảnh trong bài: Vũ Vân Anh)

Chợ Hòa Phát được xây dựng năm 2016 trên diện tích 4.000m2 với mức đầu tư 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP 50%, còn lại từ vốn do UBND quận Cẩm Lệ huy động các hộ kinh doanh trong chợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chợ bố trí 208 quầy sạp và ki ốt, mục đích phục vụ hơn 15.000 hộ dân. Chợ có quy mô loại 3, được Ban Quản lý chợ quận Cẩm Lệ (BQL) đề xuất xây dựng thành chợ kiểu mẫu, kỳ vọng trở thành trung tâm mua sắm, giao thương quan trọng ở khu vực phía Tây TP. Thế nhưng, từ khi khánh thành vào cuối 2017 đến nay, chợ dần hoạt động kém hiệu quả, nhiều tiểu thương đã bỏ đi nơi khác.

Ghi nhận thực tế thời gian qua, khu chợ Hòa Phát luôn trong tình trạng tiêu điều, buôn bán ế ẩm, nhiều gian hàng bỏ không. Ở khu vực chính đóng kín cửa, nhiều người còn đưa cả ô tô vào đỗ. Hiện chỉ có khoảng hơn 10 hộ “bám trụ” ở khu vực rau củ quả, thịt,... và cho hay rất ế ẩm.

Các tiểu thương cho biết, nguyên nhân chợ ế khách vì địa điểm không thuận tiện, dân cư ít. Khu vực quanh chợ có nhiều địa điểm buôn bán tự phát nên người dân không vào mua. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều người dân có chọn thói quen chuyển sang mua sắm online hơn là ra chợ truyền thống. Vì thế, nhiều tiểu thương quay về “chợ Chiều” trong hẻm 334 Tôn Đản và tiếp tục lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

Theo ông Đoàn Văn Hòa, Trưởng BQL, ngay sau khi hoàn thành xây dựng chợ, địa phương đã lập đội ngũ cán bộ, nhân viên, đầu tư các phương tiện bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, PCCC cùng nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ, đôn đốc các hộ kinh doanh về chợ. Địa phương cũng mua sắm, trang bị thêm các tiện nghi như mái che, bạt kéo đồng bộ mỹ quan, hệ thống điện nước thuận lợi, tạo điều kiện để tiểu thương yên tâm buôn bán. BQL thậm chí đóng mới toàn bộ bàn ghế inox với kích thước theo quy chuẩn, tạo nét khác biệt. Vậy nhưng chợ vẫn ế.

Chợ Hòa Phát nay chỉ còn hơn 10 hộ kinh doanh rau củ, có người còn mang cả ô tô vào để trong chợ.

Chợ Hòa Phát nay chỉ còn hơn 10 hộ kinh doanh rau củ, có người còn mang cả ô tô vào để trong chợ.

Để thu hút tiểu thương đến chợ và thu hút khách, BQL cho biết đang vận động các sạp hàng tại đây tăng cường văn minh thương mại, giá cả cạnh tranh hợp lý, lấy sự hài lòng của người tiêu dùng làm tôn chỉ hoạt động. BQL đề xuất hỗ trợ, miễn, giảm các khoản phí, thuế, dịch vụ… để thu hút tiểu thương, tạo điều kiện buôn bán tốt nhất. Cùng với đó, UBND quận Cẩm Lệ cũng hỗ trợ bằng cách thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại chợ Hòa Phát; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí nhằm tạo không khí sôi động; hỗ trợ kích cầu bằng các tháng bán hàng ưu đãi, giảm giá, mời gọi nhà đầu tư, các nhãn hàng tổ chức chương trình khuyến mãi tại chợ...

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận thông tin thêm, với tình trạng tụ tập buôn bán tại chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn, bên cạnh việc tuyên truyền vận động để tiểu thương tập trung về chợ Hòa Phát, địa phương sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị, lập lại an toàn giao thông, mỹ quan và bảo đảm công bằng cho tiểu thương hiện đang kinh doanh tại chợ mới.

Đọc thêm