Vốn xã hội hóa cho giao thông tăng ngày một nhanh
Trong những năm qua, việc thu hút nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ODA và ngân sách nhà nước., Ngân sách và trái phiếu Chính phủ hàng năm cấp cho ngành GTVT chỉ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, đáp ứng chưa được nửa nhu cầu. Chính vì vậy, hàng năm ngành GTVT cũng chỉ giải ngân ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 50 nghìn tỷ đồng.
Những năm gần đây, ngành GTVT đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công, tư (PPP) thuộc Bộ GTVT, đến nay Bộ GTVT đã huy động được 65 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng mức đầu tư lên tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, năm 2014 ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng.
Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng 3 năm trở lại đây. Từ năm 2012 trở về trước, chỉ vỏn vẹn có 22 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 49 nghìn tỷ đồng. “Bắt đầu từ năm 2013, công tác huy động vốn từ xã hội hóa của ngành GTVT mới có sự đột phá lớn. Chỉ riêng năm 2013 đã huy động được 24 dự án với tổng mức đầu tư khoảng hơn 68,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2014, tính đến hết tháng 10 là 19 dự án với tổng mức đầu tư gần 37,6 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2014 sẽ có thêm 5 dự án nữa, nâng số vốn thu hút trong năm nay lên gần 42,6 nghìn tỷ đồng” - ông Huy cho biết.
Dự kiến, năm 2015 con số này sẽ còn cao hơn, ở mức khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. Không chỉ tập trung ở đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác, như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa…
Hết cảnh “ăn đong”?
Số tiền 160 nghìn tỷ mà vốn xã hội hóa đầu tư vào giao thông được đánh giá là vô cùng ý nghĩa, khi ước chừng số vốn đó chiếm tới khoảng 64% so với các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách, ODA vào giao thông. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trong những năm qua, cả vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ gộp lại hàng năm cấp cho ngành GTVT cũng chỉ khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng, bằng nửa nhu cầu.
Thiếu vốn đối ứng đã ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án. Tình trạng năm trước phải ứng vốn của năm sau để “ăn đong” đã diễn ra suốt hàng chục năm qua. Vốn liếng thiếu hụt nên bình quân mỗi năm mức giải ngân của ngành GTVT chỉ khiêm tốn ở mức trên dưới 50 nghìn tỷ đồng. Vì thế, việc thu hút hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa đã khiến mức giải ngân năm nay có thể đạt ngưỡng kỷ lục là 100 nghìn tỷ đồng.
Chủ trương xã hội hóa đầu tư không chỉ giải quyết vốn cho dự án mà còn là biện pháp hiệu quả để “sàng lọc” nhà đầu tư. Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin, một trong 3 nhà đầu tư dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ lên chuẩn cao tốc, cho biết, trước đây rất ít nhà đầu tư quan tâm đến các dự án giao thông vì nguồn vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn quá lâu.
Tuy nhiên, hiện nay mỗi dự án thường có nhiều nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) cùng đăng ký nên có sự cạnh tranh rất lớn. Để được chọn, nhà đầu tư phải thực sự có năng lực, tiềm lực tài chính đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng.
Nhiều dự án giao thông trong một thời gian dài “ế”, không kiếm nổi một nhà đầu tư thì nay, nhờ chủ trương xã hội hóa đầu tư vào giao thông đã trở nên “đắt như tôm tươi”. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt dù nằm trên tuyến huyết mạch quốc gia nhưng mất nhiều năm loay hoay tìm kiếm nguồn vốn, sẽ được khởi công trong thời gian tới. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận cũng có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia…
Với việc các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các dự án giao thông, dự kiến thời gian tới nguồn vốn xã hội hóa đổ vào lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều. Được biết, ngày mai - 12/12, Bộ GTVT sẽ tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” để cùng các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong và ngoài ngành GTVT đưa ra các giải pháp về thể chế, chính sách, thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các lĩnh vực ngoài đường bộ.
Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng và thu phí. Khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định đây là giải pháp đột phá để có thêm nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa đầu tư cho giao thông thời gian tới. Theo ông Thăng, đường cao tốc đã hoàn thành xong 524km, nếu chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ có khoản tiền này để làm 500km theo hình thức cuốn chiếu.