Dịch vụ đưa người say rượu về nhà: Phi thực tế !

(PLO) - Bình luận về ý tưởng thành lập lực lượng đưa người say rượu về nhà của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng việc làm này là phi thực tế và không phù hợp pháp luật.
Dịch vụ đưa người say rượu về nhà: Phi thực tế !
Không ai tự nhận mình là say rượu
Không phủ nhận tính tích cực của ý tưởng trên, nhưng Luật sư Thuật lo ngại về tính khả thi- cả về mặt xã hội và pháp luật - nếu được áp dụng vào thực tế. “Nhìn vào thực tế sẽ thấy rõ, đã đi uống rượu thì không ai đi một mình, người ta thường đi với bạn bè hoặc người thân. Bởi vậy, chẳng may họ có say thì bạn bè hoặc người thân của họ sẽ là người giúp chứ không ai khác. Và dù có say đi chăng nữa thì không bao giờ người uống lại tự nhận là mình say, cũng không muốn bị mọi người coi là say rượu- đó là tâm lý chung của bất kỳ người uống rượu nào”- Luật sư Thuật dẫn chứng.
Theo phân tích của vị luật sư này, người uống rượu, bia sẽ rất khó chịu khi bị ai đó buộc phải về nhà. Đó là chưa tính đến chuyện người say rất dễ mất khả năng kiểm soát hành vi (như chống đối, xung đột với đội ngũ nhân viên nhà hàng, gây mất trật tự nơi công cộng…) khi bị ép làm công việc trái ý muốn của mình.
“Không rõ cơ quan đề ra ý tưởng này đã nghĩ tới phương tiện gì để chở người say về nhà? Nếu chở trên xe máy thì bắt buộc phải có người ôm phía sau, mà xe máy lại không được chở 3 người. Nếu các điểm kinh doanh rượu bia dùng ô tô  của mình để vận chuyển thì không biết phải sắm mấy chục cái ô tô cho đủ? Trong khi đó, nếu say thì khách hàng có thể đi taxi, vậy thì hà cớ gì nhà nước lại phải thành lập cả một lực lượng để làm thay nhiệm vụ của các hãng taxi?
Hiện nay, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đề ra quy định cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính hoặc buổi trưa. Chẳng may “anh” bị say rượu đến mức phải để người khác đưa về nhà hoặc cơ quan thì buộc “anh” phải công khai danh tính, địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan để lực lượng làm nhiệm vụ đưa về. Do vậy không chỉ các cán bộ, công chức nhà nước mà ngay cả những người dân bình thường cũng không muốn tiết lộ thông tin liên quan đến nhân thân của mình cho người khác nắm được.”- giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á bày tỏ.
Là biện pháp gì?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Thuật cho rằng không có cơ sở để ép khách hàng phải sử dụng dịch vụ này (buộc gửi lại phương tiện và đồng ý để lực lượng làm nhiệm vụ chở về). “Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là chỉ xử phạt khi người nào có hành vi vi phạm pháp luật và có lỗi. Ở đây người ta mới uống rượu (và có thể là say), nhưng họ chưa lái xe thì làm sao bảo rằng họ đã vi phạm  pháp luật về giao thông đường bộ để “cưỡng chế, ngăn cản” họ làm bất cứ việc gì.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: "Khi khách hàng đã say thì việc kiểm tra, trông giữ tài sản của họ không hề đơn giản. Ảnh: Vân Anh
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: "Khi khách hàng đã say thì việc kiểm tra, trông giữ tài sản của họ không hề đơn giản. Ảnh: Vân Anh
Bên cạnh đó, khi khách hàng đã say thì việc kiểm tra, trông giữ tài sản của họ không hề đơn giản. Thông thường, lực lượng chức năng phải lập biên bản để kiểm đếm trong xe (ô tô hoặc xe máy) của họ họ có bao nhiêu tiền, tài sản và giấy tờ có giá trị khác? Nhưng khi khách đã say rượu thì không đủ tỉnh táo để ký vào biên bản kiểm đếm. Còn nếu họ đang còn tỉnh táo lại bị cưỡng ép phải gửi tài sản?
Biện pháp này nếu được áp dụng thì  không biết sẽ gọi là gì theo quy định của pháp luật? Nó không phải là biện pháp xử lý hành chính hay biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính? Trong Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Giao thông đường bộ không hề có biện pháp trên. Theo tôi, để có cơ sở áp dụng và buộc người dân thực hiện thì điều đầu tiên phải xác định được đây là biện pháp gì? khi không thể gọi tên nó thì làm sao ép người ta thực hiện được”.
Phân vân trong việc đánh giá cũng như phân biệt mức độ say của người uống rượu, luật sư Thuật phân tích, để xác định một người say (đến mức không thể lái xe) thì không phải ai cũng làm được. Việc này không thể nhìn bằng cảm quan thông thường mà phải thông qua máy móc.
Chính vì không dễ nhận biết mức độ say của người uống rượu, bia nên theo quy định của pháp luật, nếu trong người có nồng độ cồn mà điều khiển xe là bị xử phạt, không cần biết nồng độ cồn đó là bao nhiêu.
Cụ thể, điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã nêu rõ: phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại điểm b khoản 7, điểm a khoản 8 điều này.
Như vậy, người uống một chút rượu cũng bị xử phạt nếu điều khiển xe, vậy tại sao chỉ đưa người say về mà không đưa người không say (bởi người không say điều khiển xe cũng bị bị xử phạt)?.
"Nếu ý tưởng này là nhằm giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông và một khi đã là dịch vụ có sự hỗ trợ của Nhà nước thì theo tôi bất cứ ai uống rượu cũng phải được đưa về (tránh trường hợp họ bị phạt khi điều khiển xe), chứ không chỉ là người say”- Luật sư Thuật đề xuất.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm