25 trẻ tử vong do sởi, biến chứng của sởi

(PLO) -Đã có 59/63 tỉnh thành ghi nhận có bệnh nhân sởi, với 25 trường hợp tử vong. Bệnh viện Nhi Trung ương phải "cầu cứu" Bộ Y tế vì quá tải và thiếu trang thiết bị.
Trẻ con phải "tranh nhau" máy thở ở BV Nhi TƯ.
Trẻ con phải "tranh nhau" máy thở ở BV Nhi TƯ. 
Trước tình trạng quá tải và thiếu phương tiện điều trị trầm trọng đặc biệt là máy thở tại Bệnh viện Nhi TƯ do các bệnh nhân nặng, nhất là sự gia tăng đột biến của BN sởi biến chứng, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Trước mắt, BV Nhi TƯ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khám chữa bệnh cho các bệnh nhi nặng; bố trí tăng cường nhân lực tại các phòng khám để phân loại, sàng lọc bệnh nhi, chuyển các trường hợp bệnh nhẹ về tuyến dưới; tập trung thầy thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị. 
Đặc biệt, bệnh viện kê thêm giường bệnh để khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nặng,bố trí các khoa phòng hợp lý, sử dụng giường bệnh của các khoa phòng không quá tải để điều trị cho bệnh nhân các khoa quá tải và thực hiện chuyển tuyến về tuyến dưới các trường hợp đã ổn định.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối thực hiện quy định chuyển tuyến an toàn, hợp lý, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương sớm tập huấn về phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp, truyền nhiễm để phát hiện sớm các bệnh này ở tuyến dưới. 
Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Bộ Tài chính và Cục Dự trữ quốc gia để giải quyết nguồn kinh phí cho bệnh viện để đáp ứng công tác phòng chống dịch khi có dịch xảy ra và bổ sung máy thở kịp thời để điều trị cho bệnh nhân. 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, từ đầu năm 2014 đến nay Việt Nam đã ghi nhận 6.611 ca sốt phát ban, trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. Chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng vi rút sởi. Đến cuối tháng 3/2014 có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo. Các trường hợp tử vong đều do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%). Các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác, hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi.

Trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa Đông -Xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm,các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh… 

Đọc thêm