Bệnh sởi đang diễn biến nguy hiểm

(PLO) - Riêng ngày hôm qua 6/4, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận đến 200 ca bệnh sởi. Đa số bệnh nhân sởi điều trị tại đây đều bị biến chứng nặng, đã có nhiều ca tử vong và lây chéo.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi tại khoa Cấp cứu
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi tại khoa Cấp cứu 
Theo ghi nhận của PV báo PLVN, chưa đến 9h giờ sáng mà Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã chật cứng bệnh nhân. Bên các máy thở, hàng chục trẻ nằm kín các giường. Bệnh viện phải ghép hai, ba trẻ nằm chung một giường. Trong phòng điều trị, mỗi điều dưỡng viên trung bình phải chăm sóc cho hơn 10 bé. Các chị chạy đôn đáo hết phòng này đến phòng nọ để chăm sóc các bệnh nhân. 
Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã ghi nhận hơn 900 ca sởi biến chứng, từ hơn 20 tỉnh, thành phía Bắc. Hầu hết các ca bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 9 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng bệnh. Riêng trong ngày hôm qua (6/4), đã có 200 BN nhập viện, trong đó 10 ca phải hỗ trợ cấp cứu thở máy, 50 ca phải thở oxy…
ThS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương
ThS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương
Cũng theo BS. Lâm, đã có nhiều ca bệnh tử vong, phần lớn bị biến chứng nhiễm trùng viêm phổi nặng, bệnh khởi phát rất nhanh trên nền những bệnh nhiễm trùng khác nên vi rút tấn công rất nhanh vào bệnh nhân. Số ca tử vong nhiều nhưng bệnh viện vẫn chưa thể thống kê được vì chưa xác định được chính thức nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mắc bệnh là do bệnh nhân quá đông, quá tải dẫn đến lây chéo lẫn nhau. 
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết: “Thời gian gần đây, số bệnh nhi mắc sởi nhập viện đông hơn, có một số ca biến chứng rất nặng. Sợ quá tải, khoa chỉ tiếp nhận điều trị những ca nặng. Điều đặc biệt nguy hiểm là năm nay sởi tập trung ở các cháu dưới 1 tuổi, có trường hợp 24 ngày tuổi đã mắc (bình thường sởi ít gặp dưới 1 tuổi), sức đề kháng của các bé còn yếu nên rất đáng lo. 
Ngoài ra, thông thường các biến chứng do vi khuẩn xâm nhập, nhưng các bệnh nhân mà khoa tiếp nhận lại bị sởi tấn công ngay vào phổi nên diễn biến bệnh nặng lên hàng ngày. Đặc biệt, sởi tấn công vào hệ thống miễn dịch dịch thể (IgG, IgA…), vì thế ngoài việc cho thở máy để cấp cứu, vấn đề tiêm truyền kháng thể và bổ sung Vitamin A là việc cần làm, còn kháng sinh chỉ là để phòng chống bội nhiễm. 
Thực tế này cũng cho thấy, không chỉ điều trị bằng chiến lược truyền thống, việc thay đổi chiến lược điều trị phù hợp với diễn biến của bệnh là vô cùng quan trọng".
BS. Lâm khuyến cáo, trong trường hợp không cần thiết, bệnh nhân không nên vượt tuyến điều trị, gây quá tải và áp lực cho bệnh viện.
ThS. BS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Trung ương: 

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Trước đây, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông-xuân. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại. 

Sởi và sốt dị ứng có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên có thể phân biệt qua các triệu chứng của sởi. Bệnh sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm họng, ho và phát ban. Cụ thể, khi sốt 3-5 ngày, ban xuất hiện sau tai, gáy, mặt, sau đó lan xuống cơ thể. Ban sởi xuất hiện ở dạng mềm, mịn chứ không nổi mẩn ghồ ghề như ban dị ứng khác. Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Giai đoạn ủ bệnh khoảng từ 10-14 ngày.

Những trẻ mắc sởi mà chưa có biến chứng chỉ cần điều trị ở nhà. Chú ý vệ sinh răng, miệng, da cho trẻ, cho các cháu nằm nơi sạch sẽ, thoáng mát, cách ly với môi trường xung quanh (không nhất thiết phải kiêng nước, gió…). Trường hợp trẻ bị sốt cao, ho nhiều... nên chuyển đến điều trị tại cơ sở y tế gần nhất, nếu quá nặng mới phải chuyển tuyến lên trên.