250.000 tỷ đồng là tổng số vốn cam kết cho vay mà Ngân hàng Nhà nước thống kê sơ bộ tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, diễn ra sáng ngày 2/3.
Tùy từng ngân hàng sẽ có những chính sách khác nhau, ví dụ như Vietcombank tuyên bố giảm lãi suất cho cả những khoản vay hiện hữu, còn đa phần các Ngân hàng thương mại khác sẽ giảm lãi suất từ 0,5% - 3% cho các khoản giải ngân mới, cả bằng tiền đồng và tiền đô. Điều kiện ban đầu các doanh nghiệp cần chỉ là chứng minh được lĩnh vực kinh doanh của mình chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ví dụ như các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, vận tải hàng không, xuất nhập khẩu…
Bản thân nhiều ngân hàng thương mại cho biết họ mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí vốn, bởi việc giúp doanh nghiệp phục hồi, vượt qua được giai đoạn khó khăn cũng là giúp chính các ngân hàng thương mại hạn chế rủi ro bị nợ quá hạn. Hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến để xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết về cơ cấu lại nợ cho khách hàng.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 11% dư nợ cho vay đang chịu ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài giảm lãi vay, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đến nay, có khoảng 30 ngân hàng thương mại cũng giảm phí giao dịch, giảm phí chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp, vừa giảm gánh nặng chi phí, vừa thúc đẩy giao dịch điện tử nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh.