Bốn trai làng trả giá vì 95 ngàn đồng
Theo hồ sơ vụ án, sáng 16/9/2013, Trịnh Trọng Việt Anh (19 tuổi) rủ Lục Viết Chiến (21 tuổi), Tô Văn Vệ (21 tuổi), Nguyễn Viết Tường (17 tuổi) vào một quán điện thoại trước cổng trường THPT Chương Mỹ A (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ngồi chơi. Tại đây, bốn đối tượng chờ học sinh đi qua để cướp mũ. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, nhóm này đã kịp dùng điếu cày đe dọa và cướp 3 chiếc mũ lưỡi trai của các học sinh trong trường.
Ngay sau khi gây án, Chiến và Tường bị công an xã bắt quả tang cùng tang vật gồm: một chiếc điếu cày và 3 chiếc mũ lưỡi trai. Hai tên còn lại cũng bị công an bắt giữ hai ngày sau đó.
Theo biên bản định giá tang vật, tài sản do các đối tượng trên cướp được gồm: một chiếc mũ lưỡi trai màu nâu, viền trắng có chữ JSS đã qua sử dụng, trị giá 30 ngàn đồng; một chiếc mũ lưỡi trai màu trắng, viền xanh có chữ JSS đã qua sử dụng, trị giá 35 ngàn đồng; một chiếc mũ lưỡi trai mềm, bằng vải màu vàng có tem đề chữ GUCCI trị giá 30 ngàn đồng.
Đến ngày 02/04/2014, Viện KSND huyện Chương Mỹ hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị cáo về tội “cướp tài sản” theo Điểm D, Khoản 2, Điều 133 Bộ Luật Hình sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định có đủ cơ sở khẳng định 4 bị cáo trên dùng điếu cày bằng tre đe dọa nhằm chiếm đoạt 3 chiếc mũ trị giá 95.000 đồng của 3 học sinh.
Hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm tội Cướp tài sản với tình tiết tăng nặng “dùng phương tiện nguy hiểm” theo Điểm D, Khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự như cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Vị chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: “Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an, xâm hại đến tài sản của người khác, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho các em học sinh trên địa bàn huyện, thể hiện tính coi thường pháp luật”. Do đó, cần có mức hình phạt tù thỏa đáng tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo nhằm giác dục và phòng ngừa chung.
Từ những căn cứ nêu trên, xét vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận thấy đối tượng chủ mưu là Trịnh Trọng Việt Anh nên đã tuyên phạt 9 năm tù giam; Lục Viết Chiến (người trực tiếp cầm điếu cày đe doạ học sinh) 8 năm tù giam, Nguyễn Viết Tường 7 năm tù giam, Tô Văn Vệ 7 năm tù giam.
Phiên toà sơ thẩm đã kết thúc trong sự ngỡ ngàng của những người tham dự. Bởi nhiều người cho rằng đó là bản án quá nghiêm khắc cho dù hành vi của các bị cáo gây hại cho trật tự xã hội nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm không lớn, lại không mang tính chuyên nghiệp. Như vậy, có cần thiết phải cách ly 4 bị cáo khỏi xã hội với tổng mức án lên tới 31 năm tù giam hay không?
Ngay sau đó, gia đình 4 bị cáo đã đồng loạt làm đơn kháng nghị lên TAND TP Hà Nội. Ngay cả mẹ của một nạn nhân bị cướp mũ cũng đã làm đơn xin giảm án cho các bị cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa một lần nữa hỏi lại diễn biến tình tiết vụ việc và hỏi thêm các bị cáo về các tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc việc giảm án phạt. Nhưng các bị cáo đều không trình bày thêm được bất cứ một tình tiết giảm nhẹ nào. Chính vì vậy, các bị cáo chỉ còn biết: “Mong đợi ở phán xét có tình có lý của HĐXX để các bị cáo sớm được trở về với xã hội”.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như những chứng cứ khách quan của vụ án, cuối cùng vị chủ tọa phiên toà phúc thẩm vẫn tuyên phạt các bị cáo tổng cộng 28 năm tù giam. Cụ thể: Trịnh Trọng Việt Anh 8 năm 6 tháng tù giam (giảm 6 tháng so với phiên sơ thẩm); Lục Viết Chiến 7 năm tù giam (giảm 1 năm); Nguyễn Viết Tường 6 năm tù giam (giảm 1 năm); Tô Văn Vệ 6 năm 6 tháng tù giam (giảm 6 tháng).
Những tiếng thở dài sau phiên xử
Đến dự phiên toà, ngay cả những người không liên quan cũng cảm thấy xót xa trước hoàn cảnh của gia đình các bị cáo. Chỉ vì một phút hành động thiếu suy nghĩ của những cậu trai mới lớn mà phải trả giá cho cả tuổi trẻ bằng những năm tháng dài đằng đằng sau chấn song nhà giam. Rời phòng xử án, những người thân của các bị cáo nặng nề lê dần những bước chân ra khỏi cổng tòa.
Được biết, Nguyễn Viết Tường vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khó khăn. Ông nội Tường là liệt sỹ chống Mỹ cứu nước nên gia đình được hưởng chế độ gia đình liệt sỹ. Mấy năm gần đây chính quyền địa phương đã cấp thẻ hộ nghèo cho gia đình của Tường. Trong khi đó mẹ của bị cáo này lại mắc phải căn bệnh tâm thần từ năm 2007, thường hay lên cơn xé áo quần hoặc bỏ đi lang thang, nay được Nhà nước cho hưởng trợ cấp hàng tháng.
Bị cáo Lục Viết Chiến cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt. Từ năm lên 6 tuổi Chiến đã có dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần. Hơn nữa tay trái của Chiến còn dị tật bởi di chứng của chất độc màu da cam. Ông Lục Văn Trạch (bố đẻ của bị cáo Chiến) kể, con trai ông thường xuyên lên cơn co giật từ 1-2 lần trong ngày rồi ngã, ngất lịm sau khi lên cơn. Những lúc đó Chiến dường như không còn là người bình thường mà sẵn sàng đập phá mọi đồ đạc trước mắt mình, ai xông vào ôm, giữ đều bị Chiến giận dữ cào cấu, hất văng ra xa…
Cuối phiên xử, trước bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, luật sư Lê Văn Nghĩa (Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh, là luật sư bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Viết Tường, Lục Viết Chiến) chua xót nhận định: “Với hành vi mà các bị cáo đã gây ra, hoàn toàn có thể đưa các bị cáo này về địa phương giáo dục nghiêm khắc, chịu sự quản thúc của chính quyền, gia đình hoặc đưa về các trường giáo dưỡng. Trong trường hợp nếu các bị cáo không biết ăn năn, hối cải lại tiếp tục có những hành vi như trên thì lúc đấy bắt tạm giam hay bỏ tù các bị cáo cũng chưa muộn”.
Án đã tuyên, các bị cáo dù ăn năn, hối hận cũng phải chấp nhận hình phạt của pháp luật./.