3 đại học sẽ trở thành đại học quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến năm 2030, 3 đại học gồm Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển thành đại học quốc gia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trừ các trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng, các trường cao đẳng sư phạm), Bộ GD&ĐT dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.

Trong đó, khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia; 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục đại học tư thục, bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự kiến đến năm 2030, nước ta có thêm 3 đại học quốc gia là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Như vậy, cùng với 2 đại học quốc gia hiện tại là Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội, cả nước sẽ có 5 đại học quốc gia.

Quy mô và lĩnh vực trọng điểm của 5 đại học quốc gia (dự kiến):

Đại học Quốc gia Quy mô sinh viên Lĩnh vực, ngành trọng điểm
Hà Nội 65.000-70.000 Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và sư phạm, xã hội và nhân văn
TP HCM 120.000-130.000 Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội và nhân văn
Đà Nẵng 60.000-65.000 Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến, sư phạm, tài chính
Huế 60.000-65.000 Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và SP, y dược, nông lâm, du lịch
Bách khoa Hà Nội 45.000-50.000 Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến

Ngoài ra, nước ta sẽ có từ 18 đến 20 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia gồm:

Trường đại học trọng điểm Ngành
Sư phạm Hà Nội Giáo dục và Sư phạm
Sư phạm TP HCM Giáo dục và Sư phạm
Y Hà Nội Y Dược
Y Dược TP HCM Y Dược
Luật Hà Nội Luật pháp
Luật TP HCM Luật pháp
Kinh tế quốc dân Kinh tế và Tài chính
Kinh tế TP HCM Kinh tế và Tài chính
Hàng hải Việt Nam Giao thông - vận tải, kinh tế biển
Giao thông Vận tải Giao thông - vận tải
Xây dựng Hà Nội Xây dựng và Kiến trúc
Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nông nghiệp
Học viện Báo chí và Tuyên truyền Báo chí và Truyền thông
Học viện Bưu chính Viễn thông Thông tin, Truyền thông
Học viện Hành chính Quốc gia Hành chính
Học viện Tài chính Tài chính
Học viện Âm nhạc Quốc gia Nghệ thuật
Sân khấu Điện ảnh Nghệ thuật

Cũng theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, tới năm 2030, Việt Nam phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ. Cùng với Đại học Thái Nguyên hiện tại, cả nước dự kiến sẽ 5 đại học vùng.

Bộ đã đề xuất kế hoạch tái cấu trúc những trường đại học công lập không đạt chuẩn, chú trọng vào việc đầu tư và phát triển để đạt đến các tiêu chí chất lượng trong vòng 3-5 năm. Nếu không đạt được, có thể sẽ tiến hành sáp nhập hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028, với mục tiêu giải thể trước năm 2030.

Trong giai đoạn tới, Bộ không chủ trương thành lập đại học công lập mới, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Đọc thêm