Lựa chọn được 3 dự án đầu tư PPP
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần, ban đầu chia thành 3 dự án đầu tư công và 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn, trong 8 dự án PPP đã có 3 dự án chính thức được chuyển sang đầu tư công, 2 dự án đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị chuyển sang đầu tư công, chỉ có 3 dự án tìm được nhà đầu tư (NĐT).
Ba dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông tìm được NĐT theo hình thức PPP, hợp đồng BOT là dự án đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, đoạn Nha Trang – Cam Lâm và đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng; NĐT trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và xây dựng VINA2. Đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km từ huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đến huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm tìm được NĐT là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Dự án được thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 7.615 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình là 5.536,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn NĐT là 2.556,99 tỷ đồng; phần vốn nhà nước là 2.979,16 tỷ đồng gồm 1.800,28 tỷ đồng vốn góp xây dựng công trình, 1.178,88 tỷ đồng là phần vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện một số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn dự án đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Bộ GTVT đã tìm được NĐT là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194. Dự án có chiều dài 78,5km, quy mô 4 làn xe, đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tổng vốn đầu tư của dự án được cập nhật theo tổng dự toán điều chỉnh được phê duyệt là 9.620 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư theo kết quả đấu thầu lựa chọn NĐT là 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NĐT 3.786 tỷ đồng; phần nhà nước tham gia trong dự án 5.139 tỷ đồng gồm vốn của nhà nước 4.199 tỷ đồng, vốn hỗ trợ của nhà nước thực hiện một số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoảng 940 tỷ đồng.
Lý do nào thu hút nhà đầu tư?
Theo tìm hiểu của PLVN, khi xây dựng báo cáo khả thi về dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ GTVT tin tưởng rằng cả 8 dự án PPP sẽ nhanh chóng tìm được NĐT. Ban đầu, Bộ GTVT có kế hoạch đấu thầu quốc tế rộng rãi cao tốc Bắc – Nam để tìm NĐT. Sau đó đến đầu tháng 1/2020, Bộ GTVT quyết định hủy đấu thầu quốc tế đối với cao tốc Bắc – Nam.
Lúc này, các DN xây dựng trong nước có nhiều cơ hội trúng thầu. Thế nhưng thật bất ngờ, khi Bộ GTVT chào thầu 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, rất ít DN mặn mà với các dự án này. Thập chí, có những dự án không nhận được hồ sơ dự thầu nào của các DN. Cuối cùng, trong 8 dự án PPP, chỉ có 3 dự án tìm được NĐT như đã nói ở trên, còn 3 dự án đã được chuyển sang đầu tư công, 2 dự án còn lại cũng đang được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển sang NĐT công do không tìm được NĐT.
Vậy tại sao 3 dự án PPP trên lại tìm được NĐT? Trả lời câu hỏi này, đại diện một số DN trúng thầu cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến họ tin tưởng và đồng ý đầu tư vào những dự án này. Lý do thứ nhất, dù là các dự án PPP, nhưng số vốn trong ba dự án trên NĐT bỏ ra không nhiều so với tổng mức đầu tư; cả ba dự án trên ngân sách nhà nước gần như đã bỏ ra quá nửa. Cụ thể, dự án Diễn Châu – Bãi Vọt tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng thì số vốn nhà nước đã bỏ ra là gần 6.100 tỷ đồng. Dự án Nha Trang – Cam Lâm cần hơn 5.500 tỷ đồng thì vốn nhà nước đã gần 3.000 tỷ đồng. Tương tự, dự án Câm Lâm – Vĩnh Hảo tổng vốn hơn 8.900 tỷ đồng thì phần nhà nước tham gia trong dự án đã là hơn 5.100 tỷ đồng.
Một lý do khác khiến các NĐT an tâm bỏ tiền đầu tư vào các dự án trên là do dự báo lưu lượng xe trong tương lai của các dự án trên là rất tốt. Cả ba dự án trên đều chạy qua các khu vực trung tâm của các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.