“Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”
Ông Trần Văn Kiểm, TGĐ Cty CP đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh (Nam Định) cho biết, Cty được chính quyền tỉnh Thái Bình lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Long (nằm trong KKT Thái Bình) theo mô hình KCN hiện đại, với tiêu chí “xanh, bền vững”, đồng bộ về giao thông, điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông.
“Chúng tôi đánh giá cao các cơ chế, chính sách ưu đãi của Thái Bình. Với vị trí đắc địa thuận lợi về giao thông đường bộ cũng như cảng biển, thời gian trung chuyển hàng hoá đến các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được được rút ngắn. Cụ thể, đến cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 50km; sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km; sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 140km; cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 230km. Bên cạnh đó, hạ tầng cấp điện, nước, thông tin liên lạc được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh có nguồn nhân lực lao động dồi dào, dân số Thái Bình khoảng 2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người”, ông Kiểm nói.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư. (Ảnh: thaibinh.gov.vn) |
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN), đại diện Ban Quản lý KKT Thái Bình cho biết, những năm qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về đầu tư hoặc mở rộng dự án tại tỉnh, với phương châm “Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thái Bình”.
Một số ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn toàn bộ thời gian thuê đất với dự án ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; các nhóm đối tượng khác được miễn 13 - 17 năm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong suốt thời gian hoạt động của dự án;… Tỉnh cũng áp dụng ngay chính sách ưu đãi từ khi các nhà đầu tư lập dự án. Các dự án có quy mô lớn sẽ được hỗ trợ 100% thủ tục giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký DN.
Với các thủ tục để khởi công dự án (quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, PCCC, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng), cơ quan thẩm quyền sẽ đồng hành, hướng dẫn thực hiện, giúp DN kết nối các Bộ, ngành liên quan để rút ngắn thời gian thực hiện.
Với các nhà đầu tư trọng điểm, tỉnh chỉ đạo lập tổ công tác riêng để hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Với các đơn vị đã và đang hoạt động, luôn được thường xuyên quan tâm, có cán bộ nắm bắt theo dõi tình hình để tháo gỡ khó khăn kịp thời, giúp DN yên tâm sản xuất kinh doanh.
Điểm đến của các nhà đầu tư
Minh chứng cho sự thành công của DN khi đến đầu tư tại Thái Bình, có thể kể đến Cty CP Green-iP1 là nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN Liên Hà Thái, là KCN được đánh giá thu hút đầu tư thành công nhất hiện nay tại tỉnh Thái Bình. Trong khoảng 3 năm hoạt động, đến nay Green-iP1 đã thu hút được tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ với những dự án trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Sản xuất linh kiện động cơ dùng cho quạt gió các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, điện lạnh (điều hòa, tủ lạnh, lò vi sóng)… cũng đã lựa chọn Thái Bình là “bến đỗ”.
Tính đến nay, KKT tỉnh Thái Bình đã thu hút được 4 dự án hạ tầng KCN, gồm: KCN Liên Hà Thái (588ha), KCN Hải Long (296ha), KCN VSIP Thái Bình (333ha), KCN Hưng Phú (209ha).
Phối cảnh một góc KCN Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy), là KCN đã thu hút tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD. (Ảnh: Quốc Khải) |
Cùng với chú trọng cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao tính minh bạch, những năm qua Thái Bình đã thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động. Tỉnh đã sớm ký chương trình phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tăng cường phối hợp việc đào tạo và cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của các DN trên địa bàn. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng phát huy nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện Thái Bình có 2 trường ĐH và khoảng 30 trường dạy nghề với quy mô đào tạo gần 35.000 người/năm.
Tháng 3/2024, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã nêu rõ: “Những kết quả nổi bật tỉnh Thái Bình đã đạt được, đặc biệt là kết quả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư công, chính là “chìa khóa” để Thái Bình mở ra cánh cửa mới và con đường mới để phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi; khả năng tiếp cận đất đai; sự quan tâm của nhiều thế hệ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, tin tưởng Thái Bình đang đi đúng hướng trong quá trình phát triển và sẽ có sự bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới”.
Theo Quyết định 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KKT Thái Bình có diện tích đất tự nhiên 30.583ha, gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã nêu rõ: “Tập trung xây dựng, phát triển KKT Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, vừa là đột phá phát triển, vừa là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.