300 năm đối mặt với tử thần

(PLO) - Mất 300 năm và 10 tỷ USD để làm sạch diện tích ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc. Trọng trách rà phá bom mìn được giao cho những người lính công binh-những người hàng ngày đối mặt với tử thần...
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn xử lý quả bom dưới chân cầu Long Biên.

Từ năm 1975 đến năm 1990, đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Từ năm 1990 đến nay, thêm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ nữa tiếp tục hi sinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) vừa ký quyết định thành lập Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo quyết định, Trưởng Cơ quan Thường trực là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo. Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng; Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự làm Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. 

Cơ quan Thường trực có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành; các giải pháp huy động, vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; thực hiện vai trò là đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Ngoài ra, tổ chức xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để thực hiện chương trình, kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh; điều phối công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan trong quá trình thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Đồng thời, giúp Ban Chỉ đạo đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan trong việc tổ chức thực hiện những vấn đề liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh; tổ chức xây dựng báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn do Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện, đã khảo sát toàn bộ phần đất liền và các đảo lớn của Việt Nam (trừ phần đất liền của 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi được điều tra ở dự án khác). Theo đó, có 9.116 (gần 82%) trong tổng số 11.134 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn vật nổ. 19 tỉnh có tất cả xã bị ô nhiễm, gồm: Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp.

Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Hiện nay, Nhà nước mỗi năm huy động các nguồn lực tiến hành rà phá được khoảng 200 ngàn ha. Như vậy, nếu muốn rà phá toàn bộ diện tích ô nhiễm bom mìn, phải mất 300 năm với tổng số tiền trên 10 tỷ USD.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.540 người chết, 12.260 người bị thương. 

Những chiến sĩ công binh rà phá bom mìn luôn đối mặt với tử thần. Bắt đầu từ khi rà máy tìm bom mìn đến khi xử lý bom, mìn tìm được. Ví dụ, quả bom ở chân cầu Long Biên, Hà Nội có trọng lượng 3.000 bảng (tương đương 1.350 kg), chứa khối lượng thuốc nổ khoảng 830 kg, khi phát nổ sức công phá rất khủng khiếp, có thể tạo ra hố nổ sâu 15 m, rộng 25 m và bán kính mảnh văng có thể lên đến 3 km.

Qua khảo sát, nó vẫn còn ngòi nổ đầu và ngòi nổ đáy nên việc trục vớt phải cực kỳ thận trọng, tỉ mỉ với đầy đủ biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi nếu di chuyển nhanh thì có thể tạo ra những lực lớn vừa đủ để có thể kích nổ quả bom. Việc vận chuyển bom đi hủy nổ cũng là vấn đề rất khó khăn vì quãng đường xa. Trong khi tất cả các ngòi đều là chạm nổ quán tính nên quả bom phải kê, chèn chắc chắn và êm, chỉ được xếp ngang, không xếp dọc, xe phải đi với tốc độ chậm, đều, tránh lực quán tính lớn. 

Từ năm 1975 đến 1990, đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Từ năm 1990 đến nay, thêm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn.

Đọc thêm